Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Một số lĩnh vực mới nổi mà các DNVVN đang tìm kiếm tài trợ bao gồm năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và các giải pháp thông minh về khí hậu - những lĩnh vực có thể giúp DNVVN phát triển bền vững trong khi góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Theo IFC tính toán, tài trợ khí hậu hiện tại ở Việt Nam – tính theo tỉ lệ phần trăm tổng danh mục cho vay của các ngân hàng, chỉ ở mức khoảng 5%, tương đương với 10,3 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên đáng kể trong những năm tới. Theo một nghiên cứu của IFC, thực hiện mục tiêu quốc gia giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030 để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu sẽ đồng thời mang lại cơ hội đầu tư khí hậu trị giá 753 tỷ USD cho Việt Nam trong giai đoạn 2016-2030.
Trong đó, 50 triệu USD sẽ được dành cho các dự án thân thiện với môi trường, mang lại lựa chọn mới cho các DN đang tìm kiếm nguồn tín dụng xanh.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết: OCB là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tích hợp đánh giá quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình cấp tín dụng. Từ năm 2015, OCB đã triển khai cấp tín dụng xanh, ưu tiên cho các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và các dự án sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thân thiện với môi trường và xã hội. Với khoản tài trợ dài hạn từ IFC, OCB sẽ tiếp tục có cơ hội đóng góp tích cực cho đất nước khi triển khai thêm nhiều chính sách ưu đãi trong việc cấp tín dụng xanh cho DNVVN, góp phần tiết kiệm năng lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường và phát triển kinh tế bền vững.
Mặc dù NHNN đã thúc đẩy ngân hàng xanh trong vài năm qua, thị trường tài chính khí hậu Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và nhiều ngân hàng thương mại hiện đang xem xét cách tiếp cận có hệ thống đối với tài chính khí hậu.
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Cambodia và Lào cho biết: Các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu tại các thị trường mới nổi như Việt Nam thông qua chiến lược mở rộng tài trợ khí hậu.
“Với việc hỗ trợ các ngân hàng thương mại tại Việt Nam thiết lập danh mục tài trợ khí hậu khả thi, IFC đang tạo điều kiện phát triển thị trường tài chính khí hậu, thu hút các bên cho vay quốc tế và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chuyển dịch sang mô hình tăng trưởng bền vững và carbon thấp”.
Khoản đầu tư của IFC cho OCB nằm trong khuôn khổ các nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững và tài chính có trách nhiệm trong khu vực ngân hàng Việt Nam. Với hỗ trợ của IFC, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng tích hợp đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong các giao dịch và đẩy mạnh tín dụng xanh.
IFC là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi, hoạt động tại trên 100 quốc gia.
Anh Minh