Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Kể từ cuộc Cách mạng công nghiệp năm 1750 đến nay, con người đã thải ra gần 2.000 tỷ tấn carbon dioxide (CO2) vào không khí. |
Hội nghị đã thảo luận ba báo cáo chuyên đề để đưa ra báo cáo tổng hợp đánh giá đầy đủ nhất về biến đổi khí hậu từ năm 2007. Đây sẽ là cơ sở khoa học để các nhà hoạch định chính sách sử dụng trong các cuộc thương lượng quốc tế trên nguyên tắc sẽ kết thúc tại Paris cuối năm 2015 và dẫn đến một thỏa thuận chung.
Báo cáo vừa được công bố rất đáng ngại: Lượng khí gây hiệu ứng nhà kính hiện tập trung trong khí quyển ở mức cao nhất từ 800 năm nay. Nếu muốn tránh hậu quả thảm khốc đối với môi trường, lương thực, sức khỏe con người, lượng khí thải nói trên phải được giảm 40%-70% từ nay đến năm 2050 và phải hoàn toàn biến mất vào khoảng năm 2100, nếu không thì mức độ gia tăng nhiệt độ trên trái đất sẽ không thể đảo ngược”. Để đạt kết quả đó, con người phải giảm rất nhiều việc sử dụng năng lượng hóa thạch, chuyển sang dùng năng lượng tái tạo, năng lượng gió, mặt trời, hạt nhân… giới hạn việc phá rừng, thực hiện việc tiết kiệm năng lượng.
Báo cáo khẳng định thế giới đang trong tình trạng nóng lên toàn cầu và phần lớn là do lỗi của con người. Kể từ cuộc Cách mạng công nghiệp năm 1750 đến nay, con người đã thải ra gần 2.000 tỷ tấn carbon dioxide (CO2) vào không khí, trong đó có đến một nửa lượng khí này thải ra trong 40 năm vừa qua. Lượng khí CO2, methane (CH4) hiện ở mức cao nhất trong 800.000 năm qua. Một số tác động đã được ghi nhận rõ, như nước biển dâng cao, tăng 19cm từ năm năm 1901 đến 2010, ngoài ra, nước các đại dương ấm hơn và có nồng độ acid cao hơn, cũng như tình trạng tan chảy của các sông băng vĩnh cửu và ở Bắc Băng Dương.
Nếu các chính phủ muốn đạt mục tiêu đã tuyên bố là hạn chế trái đất nóng lên không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thì phải giảm lượng CO2 thải ra do đốt nhiên liệu hóa thạch xuống còn khoảng 1.000 tỷ tấn. Với tốc độ hiện tại, mỗi giây nhân loại thải vào bầu khí quyển 29 triệu kg khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thì 30 năm nữa cột mốc (hạn chế bầu khí quyển tăng lên 2 độ C) sẽ bị “chinh phục”. Tuy nhiên, từ lúc này các công ty năng lượng đã dự kiến sẽ khai thác than và dầu khí gấp nhiều lần như thế và bỏ ra 600 tỷ USD mỗi năm để thăm dò tìm kiếm thêm, các doanh nghiệp năng lượng thì tích cực xây dựng các nhà máy điện đốt than và nhà máy lọc dầu, trong khi nhiều chính phủ dành thêm 600 tỷ USD nữa để trực tiếp trợ cấp cho việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Trong khi đó, báo cáo của IPCC chỉ ra sự thật rằng thế giới mới chỉ đầu tư chưa tới 400 tỷ USD mỗi năm cho việc giảm lượng khí thải hoặc đối phó với biến đổi khí hậu. Số tiền này còn nhỏ hơn cả doanh thu của một công ty dầu khí như ExxonMobil.
Một phát hiện quan trọng được nêu trong báo cáo của IPCC chính là biến đổi khí hậu không còn tồn tại dưới dạng một mối đe dọa xa vời của tương lai nữa mà đã thực sự hiện hữu và có thể cảm nhận được trên toàn thế giới. IPCC dẫn chứng bằng những cánh rừng biến mất hàng loạt, băng tan hầu như ở khắp mọi nơi; nước biển dâng nhanh làm trầm trọng tình trạng lũ lụt các vùng ven biển; bức xạ nhiệt tàn phá mùa màng và cướp đi sinh mạng hàng chục nghìn người.
Nguồn cung lương thực thực phẩm cũng là một nạn nhân của biến đổi khí hậu khi có dấu hiệu bất ổn những năm qua với giá gạo tăng đột biến làm nảy sinh nhiều cuộc bạo động. Hệ lụy sẽ còn lớn hơn thế rất nhiều nếu lượng khí thải tiếp tục ngoài vòng kiểm soát.
Một nội dung khác liên quan chính là biến đổi khí hậu đặt ra nhiều rủi ro nghiêm trọng đối với tiến bộ của loài người trong công tác xóa đói giảm nghèo. Theo kịch bản xấu nhất thì những nhân tố như giá lương thực tăng cao và thảm họa thời tiết khốc liệt hơn rất có thể sẽ khiến người nghèo ngày càng nghèo hơn và trên thực tế, nó đã và đang xảy ra.
Về giải pháp, theo IPCC, đến năm 2030, cần tập trung đầu tư vào các nguồn năng lượng ít khí thải CO2, cũng như phát triển các phương tiện giao thông, công nghiệp và các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, cho dù định hướng đó sẽ cần đến hàng trăm tỷ USD đầu tư mỗi năm.
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố báo cáo trên ở thủ đô Copenhagen, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các nước phải hành động mạnh mẽ hơn nữa trong bối cảnh chỉ mới có 400 tỷ USD được chi mỗi năm để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, một con số được xem là quá ít. Tổng thư ký LHQ đã phản đối những đánh giá cho rằng hành động cho khí hậu rất tốn kém. Theo ông, “không hành động sẽ còn tốn kém hơn, tốn kém hơn rất nhiều”.
Nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng nhiệt độ gia tăng hiện nay là do các thế hệ trước tiêu dùng năng lượng gây ô nhiễm. Thế hệ ngày nay, nếu thắt lưng buộc bụng để đầu tư vào năng lượng sạch, thì phải nhiều thế hệ nữa mới thấy kết quả. Tâm lý ích kỷ thường tình làm cho con người bớt hăng hái. Nhưng đã đến lúc cần phải nghĩ xa hơn, đến các thế hệ mai sau của chúng ta./.
Nguyễn Chiến