Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong cuộc trò chuyện với Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ông Steven Winn, Giám đốc Chiến lược toàn cầu kiêm Giám đốc Điều hành cấp cao của Tập Đoàn JERA (Nhật Bản) đã chia sẻ về chiến lược, thế mạnh, kinh nghiệm và khuyến nghị chính sách từ phía Tập đoàn.
Trong việc đạt được mục tiêu an ninh năng lượng, giá điện hợp lý và giảm thải carbon theo cam kết tại COP26, JERA đưa ra lựa chọn chiến lược năng lượng như thế nào để phù hợp với thị trường Việt Nam?
Ông Steven Winn: JERA là công ty năng lượng hàng đầu thế giới có trụ sở tại Nhật Bản. Chúng tôi là nhà vận chuyển LNG lớn nhất, đứng top 5 về sản lượng toàn cầu với khoảng 80 GW công suất điện lắp đặt. Đồng thời, chúng tôi cũng được biết đến là doanh nghiệp năng lượng tái tạo đang phát triển, đạt gần 5 GW trên khắp châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á.
Ngoài ra, Tập đoàn cũng dẫn đầu thế giới về nhiên liệu carbon thấp và đặt mục tiêu giảm độ phát thải carbon của các nhà máy điện xuống 20% vào năm 2030. Chúng tôi đầu tư vào các cơ sở sản xuất amoniac và hiệu chỉnh các nhà máy nhiệt điện để đốt kèm amoniac và hydrogen.
Tại Việt Nam, JERA đang phát triển 3 dự án năng lượng. Theo đó, chúng triển khai quá trình chuyển đổi sử dụng amoniac và hydro thay thế cho khí tự nhiên để đồng hành cùng Việt Nam trong việc bảo đảm cam kết về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Nói về chiến lược năng lượng, những thách thức của mọi nhà cung cấp đều rất tương đồng. Đó là 3 mục tiêu gồm: (1) Mang lại nguồn điện giá rẻ cho người tiêu dùng; (2) Đảm bảo rằng nguồn năng lượng đáng tin cậy để hỗ trợ khách hàng và ngành công nghiệp phát triển; (3) Nỗ lực hướng tới một thế giới sạch hơn cho chính chúng ta và vì thế hệ tương lai thông qua quá trình chuyển đổi sang không phát thải.
JERA cam kết cả 3 nội dung này và tin tưởng rằng có thể hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra.
Chúng tôi khẳng định vai trò của năng lượng tái tạo nhưng LNG cũng là yếu tố rất quan trọng. Nó sạch hơn than, đáng tin cậy và chi phí thấp. Cơ sở hạ tầng mà chúng tôi xây dựng có thể được tái sử dụng cho nhiên liệu carbon thấp khi chúng có đủ số lượng và với chi phí hợp lý.
Dựa vào kinh nghiệm đầu tư và điều hành dự án điện trên thế giới, những bài học nào có thể được áp dụng vào thị trường năng lượng của Việt Nam để thúc đẩy phát triển hiệu quả các dự án điện, thưa ông?
Ông Steven Winn: Các dự án điện đều có quy mô lớn và rất phức tạp. Vì vậy, đầu tiên cần đảm bảo về xây dựng, trang thiết bị. Trong quá trình xây dựng và phát triển, nhiều sai sót có thể xảy ra liên quan đến cung cấp nhiên liệu, xây dựng cơ sở hạ tầng LNG,...
Bởi lẽ đó, Chính phủ, các nhà phát triển và các đối tác địa phương phải làm việc cùng nhau để đảm bảo, ưu tiên rằng dự án phát điện đúng thời hạn, với độ tin cậy cao và chi phí hợp lý.
Để hỗ trợ các nhà đầu tư huy động vốn và tạo ra môi trường cạnh tranh trong ngành năng lượng, theo ông, Chính phủ cần đưa ra những chính sách gì?
Ông Steven Winn: Hỗ trợ quan trọng nhất mà Chính phủ có thể cung cấp là tạo ra sự chắc chắn cho quy trình. Theo tôi, Chính phủ cần đưa ra lộ trình rõ ràng, đơn cử như xây dựng lộ trình cụ thể về cơ cấu, tổ chức để mua điện.
Chính phủ cần bảo vệ người dân của mình khỏi việc tăng chi phí và khả năng thất bại của dự án. Cách tốt nhất để thực hiện điều này là bắt đầu với các mục tiêu rõ ràng, định hướng rõ ràng cho các nhà phát triển và cam kết tuân thủ các yêu cầu của dự án (thỏa thuận mua bán điện, giấy phép, quy định) phù hợp với các tiêu chuẩn cho vay quốc tế.
Vậy thưa ông, trong cuộc cạnh tranh với các nhà đầu tư khác ở Việt Nam, JERA coi yếu tố gì là lợi thế quan trọng nhất của mình? Ông có thể chia sẻ về chiến lược trong thời gian tới của JERA tại Việt Nam?
Ông Steven Winn: JERA là một trong số ít các công ty trên toàn cầu có kinh nghiệm trong mọi khía cạnh của loại dự án mà Việt Nam đang cần. Chúng tôi xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, các cơ sở lưu trữ và tái hóa khí LNG lớn, chúng tôi là nhà vận chuyển LNG lớn nhất và chúng tôi là người mua LNG hàng đầu trên toàn cầu. Để thực hiện thành công một dự án ở quy mô này, kinh nghiệm trước đó là vô cùng quan trọng.
Về chiến lược, JERA cam kết mở rộng an ninh năng lượng khắp châu Á. Trong đó, Đông Nam Á là một khu vực trọng tâm. Việt Nam có dân số lớn, nền công nghiệp phát triển nhanh, nhu cầu về điện và nhiên liệu tăng cao. Theo tôi, đây là một nền kinh tế thú vị, nhiều tiềm năng và JERA cam kết hỗ trợ sự phát triển lâu dài của Việt Nam trong tương lai.
Trân trọng cảm ơn ông./.
Minh Ngọc