Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM bày tỏ lạc quan và kỳ vọng khi Việt Nam chính thức áp dụng chính sách visa mới từ ngày 15/8.
Trong 7 tháng năm 2023, Việt Nam đã đón 283.668 du khách Nhật Bản, gấp 617 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2019, trước đại dịch COVID-19, số lượng du khách từ "xứ sở hoa anh đào" tới Việt Nam mới đạt 54%.
Do đó, chính sách visa thông thoáng và dài hạn được kỳ vọng sẽ tác động tích cực, đặc biệt với khách doanh nhân dự kiến sẽ tăng trong tháng 9 sau mùa cao điểm du lịch nội địa tại Nhật Bản, ông Nobuyuki Matsumoto dự báo.
Đặc biệt hơn nữa, "nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), rất nhiều sự kiện sẽ được tổ chức vào tháng 9, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào khả năng tăng mạnh số lượng khách doanh nhân Nhật Bản tới Việt Nam", Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM nói.
Hiện có khoảng 460.000 người Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. Đây là lực lượng lao động nước ngoài đông nhất, chiếm 1/4 tổng số lao động nước ngoài tại Nhật. Thông qua cộng đồng người Việt Nam tại Nhật, ông Nobuyuki Matsumoto tìm hiểu được, ngày càng nhiều du khách Nhật Bản quan tâm du lịch Việt Nam. Ông kỳ vọng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẽ tích cực triển khai thêm các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tại Nhật Bản, sớm biến ý tưởng thành hiện thực.
Nhân dịp kỷ niệm nửa thế kỷ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản, JETRO dự kiến tổ chức nhiều sự kiện từ tháng 9, tăng cường quan hệ kinh tế song phương.
Sự kiện kết nối kinh doanh giữa các công ty Nhật Bản với các công ty khởi nghiệp Việt Nam dự kiến được tổ chức tại Hà Nội và TPHCM vào tháng 9.
Trong tháng 11, JETRO sẽ tổ chức sự kiện"Fast Track", dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của các công ty, tập đoàn Việt Nam, như Vingroup, FPT Group, MoMo; các đối tác Nhật Bản, như Tokyu Group, Money Forward, and Fujikin. Các công ty, tập đoàn hai nước sẽ đặt ra thách thức cho các công ty khởi nghiệp tìm hướng giải quyết. "Các dự án hợp tác nhằm mục đích thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương tại Nhật Bản và chúng tôi hy vọng sẽ góp phần xây dựng mối quan hệ mới Nhật Bản-Việt Nam thông qua các dự án này", ông Nobuyuki Matsumoto nói.
Ông Nobuyuki Matsumoto cho biết, các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng phát triển thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, tại khu vực miền Nam, đặc biệt là TPHCM, hiện quỹ đất công nghiệp còn rất hạn chế. Thêm vào đó, chi phí thời gian kéo dài, khó khăn khi thực hiện các hồ sơ, thủ tục cấp mới giấy phép lao động mới, cấp lại giấy phép cũng ảnh hưởng tới quyết định đầu tư tại Việt Nam.
Do đó, để thu hút FDI, Việt Nam cần phát triển ổn định của các khu công nghiệp và cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch hơn và dễ dự đoán. Mặt khác, phát triển cộng đồng địa phương cũng góp phần tạo cơ hội để Việt Nam trở thành "thỏi nam châm" thu hút các công ty Nhật Bản.
Theo Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM, Việt Nam cần xây dựng các khu dân cư "đáng sống" cho kỹ sư, chuyên gia Nhật tại các địa phương.
Cụ thể, bên cạnh lợi thế về lao động giá rẻ, Việt Nam cần phát triển các bệnh viện quốc tế, khám sức khỏe cho người nước ngoài bằng tiếng Anh, mở nhiều trường quốc tế và đáp ứng cung cấp đầy đủ hàng hóa, thực phẩm phù hợp nhu cầu, thị hiếu và sở thích của người Nhật. Những điều kiện trên sẽ tác động đáng kể đến quyết định đầu tư.
Ông Nobuyuki Matsumoto cũng nêu ví dụ về dự án Becamex Tokyu, một điển hình phát triển đô thị đáng sống cho người Nhật Bản tại thành phố mới của tỉnh Bình Dương.
Ngày 15/8, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP về việc cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ.
Nghị quyết 127 gia hạn hiệu lực thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh từ 30 lên 90 ngày, cấp thị thực điện tử cho tất cả người nước ngoài và nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày với công dân 13 quốc gia được miễn thị thực.
Hương Giang