Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh mang tính chất minh họa |
Theo dự thảo, việc chỉ đạo và phối hợp các hoạt động ứng phó trong sự cố bức xạ, hạt nhân được thực hiện theo 3 nguyên tắc sau:
Nguyên tắc 1: Chỉ đạo ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân phải bảo đảm nguyên tắc chỉ huy thống nhất, phân công cụ thể, chủ động, kịp thời và phù hợp với diễn biến thực tế của sự cố đang diễn ra; kết hợp hài hòa giữa ứng phó phóng xạ với ứng phó phi phóng xạ; căn cứ vào tình huống chiếu xạ cụ thể để điều phối các hoạt động ứng phó phi phóng xạ kịp thời, hợp lý nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, môi trường và tài sản do bức xạ gây ra.
Nguyên tắc 2: Đối với sự cố bức xạ, hạt nhân, người đứng đầu cơ sở chịu trách nhiệm chính trong việc chuẩn bị và ứng phó sự cố trong khu vực cơ sở, các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo các hoạt động ứng phó sự cố ngoài cơ sở.
Nguyên tắc 3: Trong ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cấp quốc gia, Ban Chỉ đạo nhà nước về ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân quốc gia giữ vai trò chủ trì điều phối chung các hoạt động ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân; Uỷ Ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn điều phối chung các nguồn lực ứng phó phi phóng xạ.
Cơ cấu tổ chức ứng phó sự cố
Theo dự thảo, cơ cấu tổ chức ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cấp quốc gia bao gồm hệ thống chỉ đạo và ứng phó sự cố cấp Trung ương, hệ thống chỉ đạo và ứng phó sự cố cấp Bộ và hệ thống chỉ đạo và ứng phó sự cố cấp Tỉnh.
Các bộ, ngành và tổ chức chính tham gia Kế hoạch UPSCQG bao gồm: Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (UBQGTKCN); Ban chỉ đạo nhà nước về ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân (BCĐNN); Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công thương; Bộ Ngoại giao; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Tài chính; Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong đó, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Ban chỉ đạo nhà nước về ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân, các Bộ, ngành điều phối các nguồn lực ứng phó phi phóng xạ, hỗ trợ địa phương và cơ sở khi có yêu cầu; thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch UPSCQG, cử đại diện tham gia Ban chỉ huy ứng phó sự cố ngoài hiện trường.
Ban chỉ đạo nhà nước về ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các bộ, ngành xây dựng lực lượng, năng lực và cơ sở vật chất kỹ thuật, quy trình tác nghiệp ứng phó sự cố; tổ chức huấn luyện và diễn tập nhằm ứng phó sự cố hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản và môi trường; chủ trì phối hợp chung các hoạt động ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân như quan trắc và đánh giá phóng xạ, giám sát và phối hợp hỗ trợ quốc gia cho các hoạt động ứng phó của cơ sở và địa phương khi có yêu cầu…
6 bước triển khai ứng phó sự cố
Theo dự thảo, việc triển khai ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp quốc gia được thực hiện theo các bước sau: 1- Thông báo sự cố; 2- Khởi động và triển khai ứng phó sự cố; 3- Hoạt động ứng phó ngoài hiện trường; 4- Chấm dứt hoạt động ứng phó sự cố cấp quốc gia; 5- Khôi phục tái thiết sau sự cố; 6- Điều tra, báo cáo tổng kết.
Dự thảo nêu rõ, các bộ, ngành, tổ chức tham gia ứng phó xây dựng nguồn lực, năng lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, quy trình tác nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ, các hoạt động ứng phó sự cố hiệu quả. Các bộ, ngành, tổ chức, địa phương liên quan có trách nhiệm lập và thực hiện kế hoạch đào tạo, huấn luyện và diễn tập ứng phó sự cố để bảo đảm các lực lượng tham gia ứng phó có đủ năng lực, kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng ứng phó khi sự cố bức xạ, hạt nhân xảy ra.
BCĐNN lập và tổ chức diễn tập ứng phó sự cố cấp quốc gia. BCĐNN có trách nhiệm xây dựng các văn bản hướng dẫn, định kỳ 5 năm hoặc khi có tình huống cần thiết, tổ chức sửa đổi, cập nhật Kế hoạch UPSCQG.
Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn