Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại TP. Đà Nẵng, phiên giao dịch việc làm đầu năm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố tổ chức đã thu hút 82 doanh nghiệp đăng ký tham gia với hơn 4.850 vị trí việc làm trống cần tuyển dụng.
Trong đó, lao động phổ thông chiếm phần lớn với gần 2.400 vị trí, còn lại, gần 1.500 vị trí yêu cầu trình độ từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng, đại học. Đa số các doanh nghiệp tuyển dụng thuộc các lĩnh vực may mặc, công nghệ, dịch vụ…
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, một đơn vị tuyển dụng số lượng lớn lao động dịp này cho biết, hiện Công ty có hơn 1.800 nhân công đang làm việc và đang muốn tuyển dụng thêm 1.000 lao động.
"Sau Tết đơn vị có khoảng 30% số lao động nghỉ việc vì nhiều lý do, nên cần bổ sung để chuẩn bị cho sản xuất thời gian tới. Chúng tôi phải tuyển dụng sớm để có thể đào tạo nghề thêm cho NLĐ trong khoảng 2 tháng mới có thể làm việc thành thục", ông Trần Văn Lĩnh cho hay.
Theo ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng, trong năm 2023, Trung tâm sẽ tổ chức 48 phiên giao dịch việc làm định kỳ. Trong đó sẽ thực hiện từ hai đến ba phiên di động, nhằm kết nối doanh nghiệp với nguồn nhân lực tại địa phương. Đây là điểm mới trong tư vấn việc làm tại Đà Nẵng nhằm đẩy mạnh kết nối người cần việc và người sử dụng lao động đến các địa phương nhiều nhu cầu.
Ngoài ra, Trung tâm còn tuyên truyền và đưa thông tin thị trường lao động thông qua Zalo của các tổ trưởng tổ dân phố và cán bộ phụ trách mảng LĐTB&XH của các phường, xã để đưa lên group của địa phương mình giúp người dân nắm bắt thông tin thật đầy đủ, kỹ lưỡng.
"Mỗi tháng Trung tâm phối hợp cùng với các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên tổ chức phiên online giao dịch việc làm và phối hợp với tỉnh Quảng Trị vào ngày thứ sáu của tuần thứ hai trong tháng, nhằm kết nối, hỗ trợ tối đa cho người lao động các tỉnh thành với doanh nghiệp tại Đà Nẵng", ông Diệp thông tin thêm.
Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP. Đà Nẵng cho biết trong năm 2023, đơn vị tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến.
Đồng thời, để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về an toàn lao động, tăng cường công tác tự kiểm tra, yêu cầu thực hiện tốt các chế độ chính sách, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của NLĐ, giải quyết, hỗ trợ các trường hợp người lao động khó khăn.
Tương tự, tại tỉnh Quảng Ngãi, để đảm bảo nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động tìm việc làm, ngay từ đầu năm, Sở LĐTB&XH và Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã tổ chức Hội Việc làm Xuân Quý Mão phiên thứ I năm 2023.
Tại đây, các doanh nghiệp thông báo tuyển dụng hơn 10.500 lao động, đa dạng ngành nghề, vị trí việc làm, trình độ tuyển dụng từ lao động phổ thông có tay nghề đến cao đẳng, đại học. Bên cạnh đó, NLĐ còn được cung cấp thông tin về thị trường lao động ngoài nước có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Bà Nguyễn Thị Ánh Lan, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Ngãi cho hay đây là cơ hội để NLĐ tiếp cận thông tin về việc làm cũng như cơ hội tuyển dụng phù hợp với khả năng của bản thân, nhất là với đối tượng học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp.
Cũng theo Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Ngãi, năm 2022 tỉnh Quảng Ngãi kịp thời thực hiện nhiều giải pháp điều tiết thị trường lao động cũng như các chính sách hỗ trợ của nhà nước, giúp thị trường lao động tỉnh này phục hồi nhanh chóng.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, không để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, góp phần cùng cả nước phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch.
Trong năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi đã giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động, đưa được gần 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, gấp hơn 5 lần so với năm 2021.
Bên cạnh đó, tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, khoảng 2,28%, qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ đang dần được nâng lên.
Lưu Hương