Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trang phục cung đình luôn được quy định nghiêm ngặt và có nhiều đổi thay qua các triều đại. |
Triển lãm tranh, hiện vật "Ngàn năm áo mũ" tại 14 Phan Huy Ích, Hà Nội đang trưng bày 15 bức tranh, ảnh khổ lớn từ công trình mang tên "Ngàn năm áo mũ" của tác giả Trần Quang Đức.
Theo tác giả Trần Quang Đức, trang phục cung đình luôn được quy định nghiêm ngặt và có nhiều đổi thay qua các triều đại. “Ngàn năm áo mũ” lý giải nguyên do và phân tích mức độ mô phỏng trang phục Trung Hoa trong quy chế trang phục của các triều đại phong kiến Việt Nam, mô tả chi tiết, tỉ mỉ nhiều dạng trang phục như bộ Tế phục Cổn Miện uy nghi của các vị Hoàng đế, các bộ triều phục, thường phục lương quan, Củng thần, Ô sa, Bổ phục trang trọng của bá quan, hay Lễ phục Vĩ Địch, Phượng quan lộng lẫy của Hoàng hậu v.v...
Trong khi đó, trang phục dân gian không biến động nhiều, phổ biến là kiểu áo giao lĩnh, tứ thân, hay lối ăn mặc cởi trần đóng khố của đàn ông và yếm, váy giản tiện của đàn bà tồn tại qua hàng trăm năm lịch sử.
Sự kiện Vua Minh Mạng cấm “quần không đáy” có thể coi là một biến cố lớn lao, để rồi chiếc áo dài năm thân đi vào đời sống dân gian và bây giờ trở thành trang phục quan trọng bậc nhất của người Việt.
Cuốn “Ngàn năm áo mũ” làm rõ kiểu dáng và quy chế các loại áo mũ được sử dụng trong cung đình và dân gian Việt Nam trong giai đoạn từ 1009 - 1945, trải dài từ thời Lý tới thời Trần, Lê sơ, Lê Trung Hưng, Tây Sơn và cuối cùng là thời Nguyễn.
Tác giả Trần Quang Đức hiện là nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Văn học Việt Nam cho biết, công trình “Ngàn năm áo mũ” xuất phát từ những tranh luận về trang phục trong các phim cổ trang Việt Nam nhưng phần nghiên cứu về trang phục cổ còn quá nhiều "lỗ hổng". Chính vì vậy, “Ngàn năm áo mũ” ra đời với mong muốn có được một cái nhìn xuyên suốt về những bộ trang phục kéo dài từ đời Lý đến năm 1945.
Để có “Ngàn năm áo mũ”, tác giả đã xem xét 230 cuốn sách tư liệu Hán - Nôm.
Nhà nghiên cứu trang phục Trịnh Bách cho rằng, văn hóa trang phục truyền thống Việt Nam bị mất dấu sâu khi nền văn hóa Tây phương do người Pháp đưa vào được áp đặt lên xã hội Việt Nam. Tiếp theo đó là sự đổi thay của lịch sử và ý thức hệ, những biến động xã hội ấy khiến cho ngày nay không ai còn biết ông bà ta ngày xưa ăn mặc, sinh sống như thế nào.
Vì thế, sự ra đời của "Ngàn năm áo mũ" là một trong những tập tài liệu văn hóa, lịch sử trang phục được nghiên cứu sâu và được biên soạn kỹ nhất ở Việt Nam, đây thực sự là một nghiên cứu quan trọng và có giá trị lâu dài.
Cuốn sách còn là sự nghiên cứu bài bản, công phu về lịch sử trang phục của người Việt, "Ngàn năm áo mũ" hẳn không chỉ cần thiết để làm sáng rõ những vấn đề tranh cãi lâu nay, mà còn có thể mở ra những góc nhìn mới về lịch sử, văn hóa Việt Nam qua từng thời đoạn.
Huy Anh