Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng tại diễn đàn "Phát triển thị trường TPDN, hiệu quả, bền vững" do VCCI phối hợp tổ chức vào chiều 19/5 tại Hà Nội.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhận định: Những vụ việc liên quan đến các vi phạm pháp lý trên thị trường vốn, những rủi ro của thị trường TPDN đang trở thành điểm nghẽn khi hành lang pháp lý chưa hoàn toàn hoàn thiện và hạ tầng thị trường chưa thực sự đồng bộ.
Trong 5 năm gần đây, thị trường TPDN Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng như vậy, nhưng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP).
Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm nay, thị trường TPDN đang có dấu hiệu hạ nhiệt vì một số chính sách mới, làm giảm cơ hội tiếp cận vốn của DN, qua đó, làm chậm nhịp phục hồi và phát triển và lỡ nhịp Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội 2022-2023 của quốc gia.
Nêu một số bất cập về cơ chế, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Uỷ Ban kinh tế của Quốc hội cho biết, quy định của pháp luật về nhà đầu tư chuyên nghiệp có 2 điểm bất cập.
Thứ nhất, các điều kiện để một cá nhân trở thành nhà đầu tư chứng khoán rất dễ đạt được về mặt luật pháp. Trong khi đó, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải là nhà đầu tư có năng lực tài chính, hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán. Đánh giá về sự thiếu chặt chẽ của quy định, ông Phan Đức Hiếu so sánh và dẫn chứng luật pháp nước ngoài. Ví dụ, theo Luật Chứng khoán của Mỹ (sửa đổi) quy định nhà đầu tư đã được chỉ định thì phải có tài sản là 200.000 USD. Và trong 2 năm liên tiếp phải luôn phải duy trì, chứ không chỉ tại thời điểm đó. Năm 2020, Mỹ lại sửa đổi thêm lần nữa, bổ sung thêm quy định mới về năng lực chuyên môn… Khi đó, nhà đầu tư đáp ứng được điều kiện mới được công nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Thứ hai, Luật Chứng khoán giao cho công ty chứng khoán là những người bán hàng. Có nghĩa là họ mua ở thị trường sơ cấp, rồi bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Quy định như thế sẽ có xung đột, vì nếu họ muốn bán hàng, họ sẽ tìm mọi cách để xác nhận người mua đủ tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Từ những lập luận nêu trên, ông Phan Đức Hiếu đề nghị cần rà soát Điều 11 của Luật Chứng khoán và Nghị định 155/2020 liên quan điều kiện của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Nếu như nâng được chất lượng thực sự của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ có một lợi ích rất dài hạn.
Về dài hạn, ông Hiếu cho rằng cần nâng cao chất lượng của DN phát hành trái phiếu. Do vậy, không có gì khác ngoài việc nâng cao chất lượng quản trị DN.
Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh được cộng đồng DN, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao, có bộ chỉ số bảo vệ nhà đầu tư, chính là chỉ số nâng cấp chất lượng quản trị DN. Do đó, cần thực thi mạnh mẽ Nghị quyết 02 của Chính phủ.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, so với các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, quy mô thị trường TPDN của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, bởi nhu cầu về vốn trung và dài hạn rất lớn trong thời gian tới.
Vấn đề đặt ra hiện nay là trong các năm qua, thị trường TPDN phát triển tương đối nóng nên cần có giải pháp để kiểm soát, bảo đảm phát triển bền vững.
Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp: Sớm sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ, Nghị định 156/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; rà soát Luật Chứng khoán 2019 tiến tới sửa đổi, trong đó nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp… Đặc biệt, cần cân nhắc mức độ phù hợp về quy định tài sản đảm bảo, bảo lãnh phát hành, phân phối trái phiếu.
Bên cạnh đó, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh, cần có quy định về định hạng tín nhiệm nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng DN, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành. Theo đó, cần xác định những trường hợp bắt buộc, trường hợp khuyến khích xếp hạng tín nhiệm; cần có quy định đảm bảo các công ty định hạng tín nhiệm có đủ năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; nên xem xét cấp phép thành lập thêm 2-3 công ty định hạng khác (ngoài 2 công ty đã có).
TS. Cấn Văn Lực cho rằng: "Cần có giải pháp tăng chất lượng TPDN được phát hành như xem xét quy định cụ thể hơn về quy mô, tần suất, điều kiện phát hành… Song song với đó, cần thiện hạ tầng của thị trường TPDN như thiết lập thị trường thứ cấp tập trung đối với TPDN, quy định áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu…".
Chia sẻ kinh nghiệm từ Hoa Kỳ, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, cách đây 14 năm (2008) thị trường trái phiếu Mỹ cũng trải qua một khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử. Giá trái phiếu trên thị trường thứ cấp giảm 10,8% khi nền kinh tế Mỹ rơi vào cuộc đại suy thoái 2008, bắt nguồn từ thị trường bất động sản vỡ bong bóng. Người dân Mỹ thiệt hại 16.000 tỷ USD và 9 triệu người mất việc.
Sau cuộc đại suy thoái 2008, thị trường trái phiếu của Mỹ đã trải qua một cuộc cải cách toàn diện qua Đạo luật Dodd-Frank về cải cách phố Wall và bảo vệ người tiêu dùng.
Đạo luật này bao trùm và tác động rất sâu vào các hoạt động của thị trường tài chính để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân. Đạo luật có 16 chương với hàng trăm các quy đinh với quy mô lên tới 848 trang.
Trong đó, không chỉ nhắm vào việc tái ổn định thị trường tài chính sau cuộc đại suy thoái 2008 với việc thành lập hội đồng giám sát sự ổn định tài chính, văn phòng bảo vệ tài chính người tiêu dùng và văn phòng SEC về xếp hạng tín nhiệm, mà còn dành riêng một chương về tăng cường tính minh bạch các công ty xếp hạng tín nhiệm…
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường TPDN tại Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khó khăn, lòng tin của nhà đầu tư bị dao động. Dù chưa rơi vào khủng hoảng, nhưng những vụ việc xảy ra chứng tỏ thị trường cần một sự chấn chỉnh và cải cách.
Việt Nam cũng cần nâng cao khả năng kiểm soát và quyền lực cho các cơ quan quản lý thị trường, tiền tệ, kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện các nghĩa vụ quản lý và kiểm soát thị trường.
"Nhiều người lo ngại việc siết chặt thi trường của các cơ quan quản lý sẽ làm mất đi khả năng phát triển của thị trường. Theo tôi, sự kiểm soát thị trường một cách hiệu quả sẽ là tiền đề cho sụ phát triển bền vững trong tương lai. Dĩ nhiên sẽ tạo ra những khó khăn cho thị trường, nhưng sẽ tạo lại niềm tin cho thị trường, và có lẽ cũng là cái giá phải trả để có một thị trường đi vào quy củ và ổn định", ông Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ.
Về xếp hạng tín nhiệm, vị chuyên gia này cho rằng, Đạo luật Dodd-Frank đã dành nguyên một chương về xếp hạng tín nhiệm. Cơ quan làm chính sách có thể nghiên cứu những điều khoản trong chương này để có thể áp dụng cho Việt Nam, tăng cường trách nhiệm giải trình việc xếp hạng tín nhiệm sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế…
Ngoài ra, ông Nguyễn Trí Hiếu cũng gợi ý, cần thành lập riêng một văn phòng trực thuộc Bộ Tài chính về xếp hạng tín nhiệm, để giám sát hoạt động của các công ty xếp hạng tín nhiệm đang hoạt động, kiểm soát việc tuân thủ các quy định về xếp hạng tín nhiệm, việc áp dụng các phương pháp xếp hạng tín nhiệm và cuối cùng là kiểm soát các trường hợp xung đột lợi ích giữa các thành viên của công ty xếp hạng và trái phiếu được xếp hạng.
Huy Thắng