Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tăng quyền hạn độc lập cho lực lượng kiểm lâm, bàn các cách xử lý hình sự… được kỳ vọng là những giải pháp sẽ hạn chế được nạn tiêu thụ trái phép động vật hoang dã (ĐVHD).
Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Lê Xuân Cảnh cho biết, theo Sách Đỏ Việt Nam 2007, số loài động vật và thực vật hoang dã trong tự nhiên bị đe dọa lên tới 882 loài, tăng 161 loài so với năm 1992. Sự tồn tại của nhiều loài ĐVHD bị đe dọa khi chỉ còn những quần thể nhỏ bé, bị chia cắt mạnh.
Ở nước ta tình trạng các loài động thực vật hoang dã bị đe dọa cũng đã gióng lên hồi chuông báo động về khả năng tồn vong của hàng loạt loài khác có tên trong Sách Đỏ.
Theo Phó Giám đốc Công ước Việt Nam về buôn bán quốc tế các loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) Đỗ Quang Tùng, có rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khiến bảo tồn ĐVHD quý hiếm tại Việt Nam còn nhiều bất cập.
Thứ nhất, hầu hết quần thể ĐVHD có số lượng ít. Bên cạnh đó, đặc thù rừng Việt Nam lại là các mảng rừng bị chia cắt nhỏ, khu bảo tồn lớn nhất là Yok Don cũng chỉ hơn 100.000ha, Cát Tiên là 70.000ha... Sự chia cắt sinh cảnh lớn nên động vật không có hành lang để giao lưu với nhau.
Một yếu tố quan trọng nữa là các khu bảo tồn nước ta đang bị tác động lớn bởi con người, do áp lực sống phụ thuộc vào rừng của người dân còn lớn trong khi lực lượng chức năng cũng gặp khó khăn trong việc bảo tồn các ĐVHD quý hiếm, nhất là quyền hạn của lực lượng kiểm lâm.
Hiện, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng thêm khoảng 3.000 kiểm lâm viên cho hơn 164 khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia (cùng với 4.000 kiểm lâm viên phân bổ hiện tại).
Đặc biệt, cần thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về quản lý bảo tồn buôn bán các loại động thực vật hoang dã với sự tham gia đồng bộ của hải quan, công an, bộ đội biên phòng... để đẩy mạnh các hoạt động quản lý tại một số khu bảo tồn trong thời gian tới.
Cuối tháng 11 vừa, nhiều nhà quản lý, cán bộ của Viện kiểm sát, Tòa án đã cùng bàn về cách xử lý hình sự tội phạm vi phạm các quy định về bảo vệ ĐVHD quý hiếm.
Nhiều đại biểu cho rằng để bảo vệ ĐVHD nói riêng và môi trường nói chung, Việt Nam đã xây dựng một số chính sách cụ thể về quản lý buôn bán động thực vật hoang dã. Tuy nhiên, việc xử lý về hình sự đối với các vi phạm, tội phạm liên quan đến lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn trong thực tiễn. Trách nhiệm của cán bộ kiểm sát các cấp vì vậy cần được nâng cao, hoạt động phát hiện, xử lý kịp thời, triệt để, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các vi phạm liên quan tới ĐVHD có vai trò hết sức quan trọng.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục dự án "Tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học thông qua cải cách chính sách và thay đổi thực trạng tiêu thụ các loài động vật hoang dã ở Việt Nam" do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Đây là coi là tín hiệu đáng mừng trong việc hình thành một kế hoạch tổng thể bảo vệ ĐVHD.
Dự án có 3 hợp phần, thực hiện trong 3 năm. Các hợp phần của dự án sẽ góp phần tăng cường khung pháp lý và chính sách pháp luật; thu thập thông tin về tiêu thụ trái phép ĐVHD phục vụ công tác hoạch định chính sách và lập kế hoạch hành động và tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi về tiêu thụ trái phép ĐVHD.
Thu Cúc