Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thưa Thứ trưởng, ông nhận định thế nào về tình hình sạt lở tại ĐBSCL hiện nay?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Theo dõi của Bộ NN&PTNT cho thấy diễn biến của sạt lở đã khác trước, không còn theo quy luật.
Thứ nhất, trước đây ở ĐBSCL sạt lở ở sông Tiền, sông Hậu là cơ bản như nhau. Nhưng những năm gần đây thì tập trung sạt lở sông Tiền nhiều hơn. Qua nghiên cứu và đo thủy văn, thủy lực… cho thấy dòng chảy trong mùa khô có xu thế tăng lên, dẫn đến xu hướng dịch chuyển nước từ sông Tiền sang sông Hậu trong mùa khô mạnh hơn trước rất nhiều.
Chính việc nước chảy từ sông Tiền sang sông Hậu trong mùa khô đã gây ra một hiện tượng thứ hai là sạt lở các đoạn sông, kênh dẫn nước từ sông Tiền sang sông Hậu. Đặc biệt, tình trạng này càng ngày càng tăng lên và có tốc độ rất nhanh. Việc dòng chảy từ sông Tiền sang sông Hậu quá mạnh gây sạt lở ở những đoạn sông kênh nối, điều này rất nguy hiểm vì ở hai bên bờ sông kênh nối cũng là nơi tập trung nhiều dân cư sinh sống.
Thứ ba, xu hướng sạt lở thì hiện nay vào tất cả các mùa trong năm, trong khi trước đây sạt lở chủ yếu vào mùa lũ. Theo chúng tôi quan sát, 5 năm trở lại đây thì sạt lở vào mùa kiệt thậm chí còn nhiều hơn vào mùa lũ. Lý do là bên cạnh sự gia tăng dòng chảy trong mùa khô, còn do chịu tác động của triều cường tăng giảm quá nhanh quá mạnh, đây cũng là một hiện tượng rất là rất lạ, trái quy luật, việc này phải nghiên cứu cho kỹ.
Câu chuyện thứ tư là về sạt lở ở bờ sông, kênh rạch. Do nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ngày càng mạnh, làm gia tăng các tác động tiêu cực đến sự ổn định bờ kênh rạch như: lưu lượng tàu thuyền hoạt động nhiều, đặc biệt là các loại tàu thuyền tốc độ cao gây ra những đợt sóng tác động vào mái bờ; Xây cất nhà cửa, công trình cơ sở hạ tầng, chất tải hàng hóa, vật liệu,.. làm gia tăng tải trọng lên mép bờ. Các tác động này góp phần làm cho tình trạng sạt lở bờ trong các kênh rạch thêm trầm trọng.
Còn bờ biển ĐBSCL, trước năm 2005 mỗi năm vùng này được bồi thêm khoảng 100ha nhưng chúng tôi theo dõi trong vòng 15 năm vừa qua tính đến khoảng năm 2020, ĐBSCL mỗi 1 năm mất đi khoảng 300 ha, trong đó 5 năm trở lại đây thì có năm đã mất trên 500 ha đất. Như vậy kể cả những một số cửa sông, bờ biển mà trước đây có xu thế bồi lấp thì hiện nay lại quay ngược trở lại là xói mòn.
Sạt lở bờ biển nó khó hơn dự báo của lở bờ sông vì có nhiều yếu tố khác tác động như sóng, gió, triều… nhưng có một vấn đề cần đặc biệt lưu ý đó là vấn đề lún sụt đồng bằng kết hợp nước biển dâng, khiến cho độ sâu ven bờ tăng lên, diện tích bãi triều giảm, dẫn đến gia tăng chiều cao sóng ven bờ, năng lượng sóng tác động gây xói lở bờ mạnh hơn, rừng ngập mặn bị phả hủy đây là câu chuyện rất lớn và phải có giải pháp lâu dài.
Mới đây, trong cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với các tỉnh ĐBSCL, Thủ tướng đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng và đề xuất giải pháp tổng thể về phòng chống sạt lở ĐBSCL. Hiện, Bộ NN&PTNT đã có những chuẩn bị gì cho việc này?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Sau đợt mưa lũ gây sạt lở đặc biệt nghiêm trọng ở miền núi phía Bắc, ở Tây Nguyên và một số điểm ở ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ ngay lập tức đã họp Thường trực Chính phủ và quyết định dành một khoản kinh phí không nhỏ trong dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương khắc phục ngay các điểm sạt lở nguy hiểm.
Thủ tướng đã trực tiếp dành 2 ngày để đi khảo sát các điểm sạt lở tại ĐBSCLT sau đó đã làm việc ngay với Bí thư và Chủ tịch 13 tỉnh ĐBSCL. Trong kết luận của cuộc làm việc này, Thủ tướng đã chỉ ra rất rõ cả các giải pháp dài hạn và ngắn hạn.
Về những nhiệm vụ Bộ NN&PTNT được giao, hiện chúng tôi đang tổng hợp các điểm sạt lở nguy cơ cần phải làm ngay và báo cáo lại Thủ tướng.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, tổng hợp và trực tiếp đến những điểm nguy cơ sạt lở lớn tại khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và một số tỉnh miền Trung, Nam Trung Bộ để báo cáo lại Thủ tướng.
Hai báo cáo này phải gửi Thủ tướng trong tháng 8.
Trước đây nếu xuất hiện thiên tai thì các địa phương chủ động bằng nguồn ngân sách của mình trước rồi đến cuối năm tổng hợp trích ngân sách Trung ương để hỗ trợ. Nhưng thực tế mưa bão thường bắt đầu từ tháng 6, nhiều khi kéo dài đến cuối năm nên việc chi này chưa phù hợp.
Năm nay, Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt, nếu có thiên tai xảy ra, những nơi bị ảnh hưởng thiên tai sẽ được hỗ trợ ngay. Đây là điều khác biệt rất lớn trong chỉ đạo hiện nay. Điều này cũng là rất đúng với Luật ngân sách, Luật phòng, chống thiên tai.
Chỉ đạo của Thủ tướng rất quyết liệt nên đơn vị thực thi cũng cần thực hiện rất nhanh và chính xác. Tôi nhấn mạnh tính "chính xác" ở đây vì đã có những trường các địa phương đưa lên các điểm cần hỗ trợ cũng chưa đúng với các tiêu chí cần phải xử lý gấp của thiên tai. Một số trường hợp các địa phương đưa lên quy mô khắc phục sự cố rất lớn, trong khi kiểm tra thực tế cũng chưa phải vậy…
Chính vì vậy ngoài việc chúng tôi rà soát báo cáo từ các địa phương thì phải có các đoàn công tác đi thực tế luôn chứ không có chuyện chỉ ngồi ở Hà Nội nhận báo cáo địa phương.
Thứ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về câu chuyện rà soát các điểm ưu tiên hỗ trợ thiên tai hiện nay đang được Bộ NN&PTNT thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Đúng vậy, việc tổng hợp chỉ dựa vào báo cáo từ địa phương sau đó xác định nguồn ngân sách cho mỗi địa phương một chút rất dàn trải mà thậm chí là không có hiệu quả nếu không đúng điểm thực sự đang cần xử lý khẩn cấp.
Quay trở lại việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, trong 5 tỉnh ĐBSCL, Bộ NN&PTNT vừa có chuyến công tác thì thấy các địa phương thì đề xuất cũng khá nhiều nhiều điểm sạt lở.
Chúng tôi đã có phân loại 3 trường hợp xử lý: Thống nhất điểm sạt lở cần xử lý ngay nhưng xem xét kỹ quy mô và biện pháp kỹ thuật hợp lý; Không nhất trí với địa phương vì qua thực tế đánh giá những điểm đề xuất chưa ở cấp độ có thể bị ảnh hưởng ngay; Chủ động đề xuất các điểm cần xử lý ngay với địa phương qua tổng hợp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai về các điểm có nguy cơ đã được theo dõi nhiều năm nhưng đến nay có nguy cơ cao hơn…
Cả ba trường hợp này đều được chúng tôi ngồi bàn bạc kỹ với các địa phương trên tiêu chí xác định đúng điểm bị tác động ở cấp thiên tai, tính toán lại quy mô và giải pháp kỹ thuật để giảm chi phí và đảm bảo bền vững hơn. Các tỉnh đều đồng thuận với những ý kiến do đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đưa ra.
Chúng tôi xác định đây là vấn đề rất quan trọng, cần sự đồng thuận từ địa phương trở lên bởi tất cả các bên nhận thức rõ về mức độ cần thiết, chính xác thì mới có phương án hợp lý và có chi phí tiết kiệm nhất.
Đối với các tỉnh còn miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và một số tỉnh Nam Trung Bộ vừa rồi đợt mưa lũ vừa rồi, Thủ tướng cũng giao cho Bộ NN&PTNT tổng hợp, hạn cuối để các địa phương gửi báo cáo về là 23/8. Sau đó, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức một số đoàn công tác đến trực tiếp một số địa phương mà có thiệt hại lớn trong đợt vừa rồi để đánh giá mức độ, cách làm và giải pháp như 5 tỉnh ĐBSCL tôi đã nêu.
Hiện chúng tôi đã đi được các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng sắp tới sẽ tiếp tục triển khai đi kiểm tra cụ thể ở Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên là những tỉnh vừa rồi thiệt hại nặng nhất tại phía Bắc. Sau đó và sẽ có một nhóm nữa sẽ đi những tỉnh như Phú Thọ, Sơn La, Huế,...
Tất cả đều đảm bảo báo cáo Thủ tướng trong tháng 8 này và đề xuất nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để giải quyết dứt điểm những điểm sạt lở.
Theo chia sẻ của ông, sạt lở đang diễn ra hết sức nhanh và phức tạp, vậy ông nhìn nhận giải pháp cốt lõi cho vấn đề này là gì?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Thực tế nhiều ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn cả những kịch bản được tính toán. Theo tôi, bài toán về việc xử lý sạt lở là bài toán của cả vùng chứ không phải từng điểm. Bởi vì có những điểm kè ở thượng nguồn nhưng lại bị sạt lở ở hạ nguồn.
Chúng ta cần có một giải pháp tổng thể với nhiều biện pháp khác nhau nhưng phải dựa vào quy luật của dòng chảy.
Quan điểm của cá nhân tôi và Bộ NN&PTNT là cần có giải pháp tổng thể để giải quyết sạt lở, giải pháp đó gắn với thực tiễn, đưa ra là phải làm được. Sạt lở có nhiều nguyên nhân, có thể do địa chất, do mưa… nhưng ở thời điểm hiện nay cứ nói do biến đổi khí hậu nhưng ở một số điểm lại do con người là nhiều. Như vậy mỗi một khu vực, điểm sạt lở lại cần phương pháp tiếp cận khác nhau vì nguyên nhân khác nhau.
Tôi sợ nhất chỉ dùng lý thuyết, không sát thực tế, tốn kém, có khi làm còn sai. Anh em chuyên môn tại Bộ NN&PTNT cũng đã được đào tạo lý thuyết rất chắc chắn, quan điểm tôi chỉ đạo anh em ở Bộ là cứ làm, những người làm trực tiếp, lăn lộn có cả thực tiễn và lý thuyết thì mới đưa ra biện pháp khả thi.
Cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng!
Đỗ Hương (ghi)