Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng |
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo đánh giá một cách toàn diện, khách quan tình hình cán bộ, đảng viên trong toàn ngành về những mặt được, chưa được và những yếu kém, tồn tại để sửa chữa, khắc phục.
Cụ thể, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết trong toàn ngành Công Thương, trong đó, nhấn mạnh vai trò trách nhiệm và tính tiền phong gương mẫu của người đứng đầu đơn vị, cơ quan.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên được yêu cầu kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, làm rõ những biểu hiện, mức độ suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống… Đồng thời, phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm của tập thể, từng đảng viên và phương hướng đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái. Làm rõ những yếu kém của tập thể và cá nhân trong công tác tổ chức, cán bộ.
Riêng khâu tự phê bình của người đứng đầu cần thể hiện rõ trách nhiệm, hiệu quả thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, tránh tính hình thức, làm qua loa. Những nơi tổ chức tự phê bình và phê bình không đạt yêu cầu thì cấp ủy cấp trên kiên quyết yêu cầu làm lại, đồng thời người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về thiếu sót này.
Trong đó, đặc biệt lưu ý việc thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, củng cố đoàn kết nội bộ. Cấp trên phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh, đóng góp, phê bình cấp dưới; quan tâm đến nguyện vọng, tâm tư của cán bộ, công chức, viên chức.
Phóng viên: Một trong những yêu cầu cơ bản để Nghị quyết trung ương 4 đi vào cuộc sống là phải chỉ đạo thật tốt việc tổ chức thực hiện, Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện Nghị quyết như thế nào đến cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Đến nay, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã tổ chức 2 hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 cho cán bộ chủ chốt các đơn vị thuộc Bộ, chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện nhiệm vụ cụ thể theo 4 nhóm giải pháp mà Trung ương đề ra.
Mỗi cán bộ, đảng viên trong ngành phải nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của mình, gương mẫu thực hiện trước và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết trong phạm vi trách nhiệm của mình; có kế hoạch tiếp thu ý kiến, có chương trình hành động, lộ trình sửa chữa, có kiểm tra giám sát… để đạt hiệu quả thiết thực sau đợt học tập, quán triệt Nghị quyết…
Phóng viên: Trung ương nhìn nhận, mục tiêu yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Là người đứng đầu một bộ lớn, quản lý đa ngành, Bộ trưởng đặt ra những mục tiêu gì để đạt được yêu cầu trên?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Cũng giống như mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 đề ra, mục tiêu của Ngành Công Thương là ngăn chặn một cách tối đa, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong ngành Công Thương, trước hết là cán bộ lãnh đạo, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng của các đơn vị trong ngành.
Phóng viên: Trăn trở của Bộ trưởng trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 là gì?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Điều tôi trăn trở nhất là làm thế nào để tìm ra được các giải pháp phù hợp, hiệu quả trong quá trình thực hiện Nghị quyết, vừa đạt được yêu cầu của Trung ương, vừa phát huy kết quả để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành Công Thương trong năm 2012 và các năm tiếp theo.
Việc thực hiện Nghị quyết trong bối cảnh kinh tế, xã hội có nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế và nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận cán bộ đảng viên. Vì vậy, sẽ còn tình trạng chỗ này, chỗ khác triển khai thực hiện Nghị quyết, nhất là việc kiểm điểm, đánh giá cán bộ còn mang tính hình thức. Mặt khác, tâm lý của không ít người còn nể nang, ngại va chạm, do đó, sẽ không tránh khỏi hiện tượng đảng viên nể nang trong kiểm điểm, phê bình và tự phê bình. Vấn đề này cần có chỉ đạo uốn nắn, khắc phục kịp thời
Do vậy, phải gắn việc triển khai học tập, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với các Nghị quyết Trung ương khác và đặc biệt là gắn kết với việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời, tôi cho rằng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng kiểm điểm phê bình để trù dập, bè phái, gây mất đoàn kết.
Tôi tin tưởng rằng toàn thể cán bộ, đảng viên Ngành Công Thương sẽ thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 một cách tích cực, nghiêm túc và có hiệu quả, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng đảng trong ngành Công Thương nói riêng và toàn Đảng nói chung.
Song Linh