Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch danh dự Lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng và đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương đã tới dự và dâng hương trong ngày khai hội.
Đại biểu và khách dự lễ đã cùng ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, của hai vị nữ tướng với tính thần yêu nước, ý chí quật cường đã đem lại nền dân chủ, tự chủ cho đất nước. Hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi dẫn đầu đoàn quân xung trận, giành lại độc lập cho dân tộc sau hơn hai thế kỷ bị phong kiến nước ngoài đô hộ đã khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc, lần đầu tiên nước Việt có chủ, lần đầu tiên nước Việt có vua - lại là một phụ nữ - là một kỳ tích trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Nét độc đáo nhất trong lễ rước kiệu Hai Bà ở Hạ Lôi chính là nghi thức giao kiệu: Bắt đầu lễ rước kiệu, từ Đền ra, kiệu Trưng Trắc đi trước. Ra đến đường kéo quân để về đình làng, thì kiệu Trưng Trắc né sang để kiệu Trưng Nhị đi trước. Đến cổng đình, kiệu chị đi trước, kiệu em đi sau. Hai bên nghênh đón hai Vua Bà, với ý nghĩa tượng trưng Vua từ kinh đô Mê Linh về thăm làng.
Cuộc tế lễ trang trọng diễn ra tại đình làng Hạ Lôi. Sáng mồng 6, vào chính hội, dân làng tiễn Hai Bà về kinh đô lên Đền. Thứ tự rước kiệu ngược lại so với hôm về đình làng: Kiệu Thành hoàng và tướng Cốt Tung đứng hai bên sân bái Hai Bà về kinh, kiệu chị đi trước kiệu em; sau 2 lần giao kiệu ở cổng đình và đường kéo quân đến cổng Đền thì kiệu em né sang phải để kiệu chị lên trước vào Đền.
Trong đám rước tưng bừng, rộn rã tiếng chiêng, trống của phường bát âm, hai bên nam nữ hát đối, tương truyền bài hát có từ thời Hai Bà Trưng, cổ vũ quân sĩ đánh giặc.
Trong 3 ngày diễn ra lễ hội (kết thúc vào Mồng 8 Tết Tân Mão) sẽ có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức, sôi nổi nhất là các trò chơi: đu đôi, bắn nỏ, kéo co, du thuyền trên hồ, hát chèo, hát sa mạc, hát bồng mạc đối nhau, bóng chuyền, bóng đá, đi kà kheo chân cao...
Được biết, thành phố Hà Nội vừa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử-văn hóa Đền thờ Hai Bà Trưng và Khu vực Thành cổ Mê Linh tỷ lệ 1/500 nhằm đảm bảo tính đồng bộ thống nhất theo định hướng quy hoạch chung xây dựng và phát triển đô thị của huyện Mê Linh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khu đất nghiên cứu quy hoạch chi tiết thuộc địa bàn làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, có tổng diện tích khoảng 129.745m 2 ; phía Bắc và Đông Bắc giáp khu dân cư của xã; phía Tây Nam giáp đê sông Hồng; phía Đông Nam và phía Tây Bắc giáp đất canh tác.
Khu vực nội Đền hiện đã được đầu tư xây dựng có tổng diện tích khoảng 32.000m 2 được giữ nguyên trạng. Khu vực dành để bố trí các công trình phụ trợ và tổ chức các hoạt động văn hóa phục vụ lễ hội như bãi đỗ xe, quảng trường, công viên cây xanh, hồ nước... với diện tích 66.000m 2 sẽ được điều chỉnh. Phần công viên cây xanh sau khi điều chỉnh được tổ chức thành 3 ô quy hoạch với tổng diện tích khoảng 17.090m 2 . Khu vực đón tiếp và hội nghị điều chỉnh vị trí từ phía Bắc đường lịch sử Hai Bà Trưng xuống phía Nam đường lịch sử Hai Bà Trưng có tổng diện tích 1.895m 2 . Riêng khu vực phía Đông Bắc có khu đất tiếp giáp với khu dân cư thôn Hạ Lôi dành để bố trí khu vườn cây ăn quả, hồ mắt voi 2, công trình phục chế Thành Ống (thành cổ)... có diện tích khoảng 12.000m 2 .
Minh Nghĩa