Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Các quan chức cao cấp họp chuẩn bị cho GMS 6. Ảnh: VGP/Tuấn Dũng |
Đây là cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 6 sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 31/3. Cuộc họp do Trưởng đoàn Việt Nam và đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á đồng chủ trì với sự tham dự của đại diện các nước Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan.
Tại phiên họp, các quan chức cấp cao GMS đã tập trung rà soát lại công tác chuẩn bị, hoàn thành dự thảo cuối cùng các văn kiện để trình lên các nhà Lãnh đạo GMS thông qua.
Hội nghị cũng rà soát nội dung các chiến lược hợp tác ngành về giao thông, du lịch, nông nghiệp và môi trường, báo cáo kết quả 25 năm hợp tác GMS, báo cáo hợp tác thương mại điện tử GMS và các văn kiện khác sẽ được Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6 ghi nhận.
Phiên họp cũng rà soát chương trình và cơ cấu tổ chức tọa đàm của Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh GMS cũng như công tác chuẩn bị hậu cần cho các sự kiện liên quan được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị GMS 6 lần này.
Phát biểu tại cuộc họp, quan chức cao cấp Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan đều đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo, trọng thị, chuyên nghiệp cả về nội dung, lễ tân, hậu cần cũng như các sáng kiến của Việt Nam, đồng thời bày tỏ tin tưởng Hội nghị sẽ thành công tốt đẹp.
Cũng trong chiều nay (29/3), cuộc họp nhóm công tác kỹ thuật hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).
Chương trình hợp tác kinh tế GMS được khởi xướng năm 1992 nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc). Đây được đánh giá là cơ chế hợp tác có hiệu quả hàng đầu trong các cơ chế hợp tác tại tiểu vùng Mekong.
Mục tiêu dài hạn của chương trình hợp tác GMS là đưa tiểu vùng Mekong mở rộng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á.
Với chủ đề "Phát huy 25 năm hợp tác xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng", Hội nghị thượng đỉnh GMS 6 và CLV10 được đánh giá là Hội nghị đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam năm 2018.
Đáng chú ý, tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 6 này, Việt Nam lần đầu tiên đưa sáng kiến tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS với mục tiêu tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và Nhà nước, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới.
Tuấn Dũng