Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tham dự Lễ khai mạc có: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Trị; các đại sứ ngoại giao, đoàn quốc tế; các lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Chương trình được xây dựng xuyên suốt với chủ đề “Gắn kết những nhịp cầu” được lấy cảm hứng từ cây cầu Hiền Lương lịch sử, không chỉ biểu trưng cho khát vọng thống nhất mà còn thể hiện tinh thần gắn kết những giá trị của quá khứ, hôm nay và mai sau tại mảnh đất của những con người yêu chuộng hòa bình. Đồng thời, truyền tải một thông điệp ước mong về sự hạnh phúc, phồn thịnh, công bằng bác ái và hòa bình.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Quảng Trị tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình nhằm tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh; truyền đi thông điệp Việt Nam yêu chuộng hòa bình, con người Việt Nam hòa hiếu, bao dung, nhân nghĩa và mong muốn được đóng góp vào việc kiến tạo, gìn giữ hòa bình cho nhân loại. Đến với Lễ hội Vì Hòa bình, người dân sẽ cảm nhận được những cảm xúc đặc biệt; cảm nhận hòa bình không chỉ là trạng thái không có xung đột, chiến tranh mà mở rộng ra còn là sự tôn trọng, bình đẳng, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia, dân tộc; tình yêu giữa con người với con người, giữa cá nhân và cộng đồng và giữa các cộng đồng...
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Chương trình nghệ thuật khai mạc với chủ đề “Kết nối những nhịp cầu” mở ra một chuỗi các hoạt động tưởng niệm, tri ân đầy ý nghĩa cùng nhiều sự kiện chính luận, văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch xuyên suốt trong tháng Bảy.
Lễ hội Vì Hòa bình do tỉnh Quảng Trị khởi xướng tổ chức và mọi người cùng chung tay kiến tạo nên giá trị. Đây là một lễ hội mở, chỉ có ngày khai mạc với chuỗi các hoạt động mà không có ngày bế mạc vì hòa bình luôn là mong muốn, là khát vọng mãi mãi của nhân loại. Lễ hội sẽ tạo động lực quan trọng để Quảng Trị không chỉ trở thành không gian văn hóa vì hòa bình, điểm đến vì hòa bình, là nơi hội ngộ của bạn bè bốn phương yêu chuộng hòa bình, mà còn góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư, du lịch... Qua đó, góp phần đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của Quảng Trị và các địa phương trong khu vực.
Lễ hội Vì Hòa bình được xây dựng theo hình thức nghệ thuật phức hợp, “sân khấu hóa” câu chuyện hòa bình qua các lớp cảnh và cách kể chuyện bằng âm nhạc. Sân khấu “chuyển động” được hiểu theo cả khía cạnh “vật lý” và “tinh thần” qua việc dàn dựng đa không gian kết hợp với các nội dung văn học nghệ thuật phụ trợ nhằm tạo nên những “điểm chạm cảm xúc”, khoảnh khắc ấn tượng khi theo dõi liền mạch cả chương trình. Âm nhạc trong chương trình bao gồm các ca khúc Việt Nam, quốc tế với nhiều ngôn ngữ về chủ đề hòa bình.
Lễ hội diễn ra với 3 phần chính gồm: “Lời nguyện ước” thông qua những “Thanh âm kết nối”, lấy vùng đất Quảng Trị làm trung tâm để khắc họa truyền tải cảm hứng về khát vọng hòa bình của dân tộc. Hình ảnh cây cầu Hiền Lương vừa là hình tượng nghệ thuật vừa là mạch nối biểu trưng để truyền tải câu chuyện của chiều dài thời gian và bề rộng không gian thông qua các tiết mục hoạt cảnh đồng diễn; “Khúc hoan ca” mở ra câu chuyện của tương lai được dựng xây từ những hoạt động của hôm nay, gắn kết cảm hứng trên toàn cầu về chủ đề nguyện ước hòa bình, xóa nhòa biên độ của không gian. Chương trình đã truyền tải thông điệp “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình - Hãy gìn giữ hòa bình bằng suy nghĩ và hành động mỗi ngày, để cộng hưởng ước mong hiện thực hóa nền hòa bình trên toàn thế giới”.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Quảng Trị trong việc tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình. Từ vùng đất bị hủy diệt bởi chiến tranh, Quảng Trị đã và đang mạnh mẽ hồi sinh. Lễ hội sẽ truyền đi thông điệp về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, qua đó góp phần kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay xây dựng và bảo vệ nền hòa bình bền vững cho các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới.
Việc tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình thành công góp phần làm sâu sắc thêm hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc, mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định đó là bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Phó Chủ tịch nước tin tưởng Lễ hội Vì Hòa bình sẽ ngày càng có sức quy tụ, cuốn hút; tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng, tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân, của nhân dân, du khách trong và ngoài nước để chung tay xây dựng, nâng tầm giá trị của Lễ hội trở thành một thương hiệu văn hóa đặc sắc, có uy tín không chỉ của Quảng Trị mà còn mang tầm quốc gia và quốc tế.
Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 được tổ chức nhằm mục đích tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng, bền vững cho quê hương, đất nước và nhân loại; tưởng niệm, tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra…
Nhiều hoạt động phong phú sẽ tạo điểm nhấn cho Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 được tổ chức trong suốt tháng 7 này như: Đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề “Khúc ca hòa bình”; Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực quốc tế với chủ đề “Hương vị miền hoa nắng”; Triển lãm mỹ thuật họa sĩ Lê Bá Đảng với chủ đề Khát vọng hòa bình; Triển lãm tranh với chủ đề hồi sinh; Chương trình nghệ thuật Chính luận “Vĩ tuyến 17 khát vọng hòa bình”; Hội thảo quốc tế “Bài học về hòa bình nhìn từ thực tiễn Việt Nam; Chương trình “Ước nguyện hòa bình” với các hoạt động: Lễ cầu siêu, Thả hoa đăng, Thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ.
Đức Tuân