Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hội thảo do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam bảo trợ, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành-Meyland tổ chức.
Thành phố Phú Quốc xác định mục tiêu đạt đô thị loại I vào năm 2025, trở thành thành phố du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế. Với vị thế là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, dự báo đến 2030, Phú Quốc sẽ có 550.000 dân, tăng gấp 3 lần hiện tại. Đảo ngọc tương lai sẽ trở thành một trung tâm kinh tế - tài chính mới của khu vực và thế giới.
Theo kiến trúc sư Trương Văn Quảng (Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 767/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040, với các tính chất nổi trội: Đô thị biển-đảo độc đáo, đặc sắc, khu kinh tế có vị thế đặc biệt, trung tâm kinh tế du lịch, dịch vụ và có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia... Là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực; có vị trí đặc biệt về an ninh và quốc phòng.
Ông Bùi Văn Doanh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam nhìn nhận), Phú Quốc sẽ lấy du lịch làm trọng tâm, trong đó đặc biệt chú trọng đến du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe công nghệ cao. Phú Quốc đồng thời cũng đóng vai trò đầu mối giao thông, nhất là không gian sống có chất lượng theo xu hướng sống xanh. Điều này sẽ tác động mạnh đến sự biến động dân cư làm gia tăng dân số - đây là cơ sở khoa học và thực tiễn để khẳng định rằng, bất động sản nhà ở đô thị là phân khúc tiềm năng để đón đầu xu hướng này.
TS. Nguyễn Văn Đính (Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam) đánh giá, khu vực phía nam đảo Phú Quốc với trung tâm là phường An Thới đang được đầu tư hạ tầng mạnh mẽ, định hướng trở thành trung tâm dân cư-hành chính-kinh tế mới của Phú Quốc.
Bên cạnh việc đẩy mạnh hạ tầng giao thông liên kết theo chiều dọc, Phú Quốc hiện nay cũng đã xuất hiện các đại lộ giúp liên kết theo chiều ngang như đại lộ Bình Minh và Ánh Sao thuộc đại đô thị Meyhomes Capital Phú Quốc đang được xây dựng. Đại lộ Bình Minh (rộng 36 m, 4 làn xe cơ giới) và Ánh Sao (rộng 24 m) sẽ tạo thành cung đường ngắn nhất nối 2 bờ Đông-Tây, rút ngắn quãng đường di chuyển xuống chỉ còn hơn 4 km.
Ông Phạm Minh Đức (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành, một trong những doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực đô thị tại Phú Quốc, cho biết cùng chung tầm nhìn với chính quyền thành phố, doanh nghiệp mong muốn xây dựng đại đô thị hội tụ đầy đủ những giá trị của một thành phố đáng sống. Có thể thấy mẫu số chung để trở thành nơi đáng sống là sự đồng bộ trong quy hoạch hạ tầng giao thông, những tiện ích về giáo dục, y tế, vui chơi, giải trí đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của người dân như hưởng các dịch vụ công, giao thông thuận tiện, không gian xanh hài hòa, cộng đồng an toàn và không bạo lực.
Đối với định hướng trong phát triển đô thị Phú Quốc, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội, lưu ý, không nên xây dựng một cách vô tội vạ, thay vào đó cần bảo tồn các yếu tố cũ và xây dựng yếu tố mới một cách đúng hướng.
Phú Quốc có lợi thế về biển đảo, cần phát triển trên 2 yếu tố: Tính nổi trội riêng; tính liên kết giữa đảo và biển với các đảo, khu vực biển xung quanh. Phát triển đô thị phải gắn liền với kinh tế đô thị. Ngoài những khu dân cư, đô thị hiện hữu thì cần các khu dân cư mới - đây là khía cạnh khai thác kinh tế khá tốt.
Toàn Thắng