Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hiện vật đĩa cổ từ tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất. Ảnh: Báo Thanh niên |
Sau khi nghe phương án khai quật và công tác đảm bảo an toàn trong quá trình khảo cổ, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhận định, việc khai quật tàu cổ, cũng là một di sản dưới nước cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Đây là tài sản quý của tỉnh Quảng Ngãi và cả nước, do đó cần phải có tiêu chứ lựa chọn, phê duyệt đơn vị khai quật, đơn vị đó phải có năng lực thực hiện và chuyên môn để bảo đảm di sản không bị hư hỏng.
Thời gian khai quật cũng cần hoàn tất trước ngày 20/9 để tránh mưa bão và đảm bảo công việc nạo vét của cảng Hào Hưng trong khu vực phát hiện tàu cổ và cổ vật.
Trước đó, vào hai ngày 26 và 27/7, trong quá trình thi công hút cát làm cảng nước sâu và tạo bãi để xây dựng cảng tại vùng biển Dung Quất của Công ty TNHH MTV Hào Hưng, công nhân đã phát hiện nhiều mảnh gốm sứ và mảnh gỗ nhỏ theo ống hút chảy tràn ra bãi. Công ty Hào Hưng đã chỉ đạo dừng công việc đang thi công và báo cáo cho các cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh, huyện kiểm tra hiện trường và phát hiện nhiều di sản văn hóa.
Qua khảo sát đã phát hiện xác tàu cổ, dài khoảng 20-30 m, mạn tàu đã phát lộ, trên thân tàu có nhiều chồng gốm. Địa điểm phát hiện ở vị trí cách bờ khoảng 6-7 m, ở độ sâu khoảng 9 m. Bước đầu có thể xác định rằng các hiện vật này là di sản văn hóa, với hiện vật là xác tàu cổ bị chìm, cùng nhiều hiện vật là chén, đĩa, bát với nhiều kích cỡ và hoa văn khác nhau. Có khả năng đây là các hiện vật của thủy thủ tàu có niên đại khoảng thế kỷ XV.
Việc khai quật tài sản tàu cổ đắm và các hiện vật minh chứng cho vùng biển Quảng Ngãi một thời buôn bán giao thương mạnh mẽ với bên ngoài trên con đường tơ lụa gốm sứ.
Đây cũng sẽ là minh chứng cho vùng biển Bình Sơn là nơi neo đậu của các tàu thuyền buồm trên đường hải hành, giao dịch thương mại, làm rõ các giá trị lịch sử văn hóa trên vùng đất Quảng Ngãi.
PV