• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Khai thác nền tảng CSDL quốc gia về dân cư phục vụ hiệu quả phòng chống dịch

(Chinhphu.vn) - Hệ thống quản lý công dân vùng dịch và quản lý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 được Bộ Công an xây dựng dựa trên nền tảng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư nhằm phát huy lợi ích của nền tảng này, tạo thuận lợi nhất cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

21/08/2021 10:00


Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an). Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư xoay quanh việc ứng dụng công nghệ hiện đại, nền tảng CSDL quốc gia về dân cư vào công tác quản lý công dân vùng dịch và quản lý tiêm chủng.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên cả nước, việc ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng nền tảng CSDL quốc gia về dân cư có vai trò như nào trong công tác phòng chống dịch COVID-19, thưa ông?

Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh: Hệ thống CSDL quốc gia về dân cư và căn cước công dân đã được đưa vào vận hành, khai thác kể từ ngày 1/7/2021. Đến nay, hệ thống đang quản lý tập trung, thống nhất thông tin của gần 100 triệu công dân.

Tại Hội nghị tổng kết xây dựng, triển khai dự án Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư; Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh việc sử dụng tài nguyên dữ liệu một cách thiết thực, hiệu quả; có tính kết nối, liên thông cao; không chỉ thực hiện công tác quản lý con người, an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm mà còn phải phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và các nhiệm vụ cấp bách khác, như hiện nay là kịp thời phục vụ cho công tác phòng chống đại dịch COVID-19.

Dữ liệu là tài nguyên, nhưng khác với tài nguyên truyền thống, khi tài nguyên dữ liệu càng được khai thác, sử dụng nhiều thì không những không bị mất đi mà ngược lại, càng tạo ra giá trị. Do đó, CSDL quốc gia về dân cư phải kết nối với các CSDL quốc gia khác để phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống dịch COVID-19.

Chính vì thế, từ ngày 11/8, Bộ Công an đã triển khai quyết liệt hệ thống khai báo y tế quản lý công dân vùng dịch trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ cũng đưa vào triển khai hệ thống phần mềm hỗ trợ việc xác thực người dân được nhận các khoản trợ cấp do gặp khó khăn trong dịch bệnh. Đồng thời, Bộ đang triển khai thí điểm hệ thống quản lý tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 (E-vaccine). Đây là 3 phân hệ quan trọng đang được xây dựng dựa trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Giảm ùn tắc, truy vết nhanh

So với các ứng dụng khai báo y tế khác, hệ thống khai báo y tế quản lý công dân vùng dịch trên toàn quốc có gì tiện ích hơn, thưa ông?

Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh: Từ ngày 11/8, Bộ Công an đã triển khai chính thức phần mềm quản lý công dân vùng dịch phạm vi toàn quốc trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua khai báo y tế khi đi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh.

Điểm khác biệt lớn nhất của ứng dụng là thông tin công dân khai báo sẽ được xác thực, đối sánh với dữ liệu lưu trữ trên Hệ thống CSDL quốc gia về dân cư; bảo đảm thông tin khai báo là chính xác, thông tin được chuyển tới công an cơ sở để nắm được di biến động công dân.

Hệ thống cũng giúp truy vết lộ trình di chuyển của công dân một cách dễ dàng, nhanh chóng và chính xác nhất; tiết kiệm chi phí trong công tác phòng, chống dịch hiện nay; đưa ra những dự báo về tình hình cũng như chủ động phương án phòng, chống dịch. Qua hơn 1 tuần triển khai trên toàn quốc, các cơ quan quản lý nhà nước đều đánh giá cao hệ thống này.

Theo đó, khi công dân thực hiện đăng ký khai báo y tế (qua máy tính, điện thoại thông minh có kết nối internet) ngay tại nhà hoặc trước khi đi qua trạm/chốt kiểm soát dịch bệnh tại địa chỉ: https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn, hệ thống sẽ cung cấp cho người dân một mã QR để cán bộ tại chốt kiểm dịch kiểm tra thông tin.

Tại các chốt kiểm dịch, cán bộ công an sẽ đối chiếu thông tin công dân khai báo trên hệ thống và xác nhận thông tin công dân khi đi qua chốt kiểm dịch. Trong trường hợp người dân không có thiết bị kết nối internet, cơ quan công an sẽ đặt bản khai giấy ở các chốt. Sau khi người dân kê khai, cán bộ làm nhiệm vụ sẽ nhập dữ liệu này lên hệ thống để quản lý thông suốt.

E-Vaccine hỗ trợ người dân đăng ký và đặt lịch tiêm chủng, thực hiện tiếp đón nhanh chóng bằng việc quét mã QR. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

E-vaccine tạo thuận lợi nhất cho người dân khi đi tiêm chủng

Cùng với việc chính thức triển khai hệ thống khai báo y tế quản lý công dân vùng dịch trên toàn quốc, Bộ Công an đã triển khai thí điểm thành công hệ thống quản lý tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. E-vaccine có ưu điểm nổi bật và ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh: Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 toàn quốc đã được chính thức phát động vào ngày 10/7 với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Để góp phần thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, E-vaccine được tích hợp với hệ thống CSDL quốc gia về dân cư, căn cước công dân mới của Bộ Công an với công nghệ tiên tiến nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân khi đi tiêm chủng, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm tính xác thực và bảo mật cao nhất cho toàn bộ dữ liệu tiêm chủng của người dân.

Đồng thời giúp cơ quan chức năng quản lý tập trung dữ liệu công dân được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thống nhất mà không cần phải đầu tư, xây dựng hệ thống công nghệ mới nhằm tránh lãng phí tài sản đầu tư công…

Phần mềm có nhiều ưu điểm để tạo nên một điểm tiêm chủng trật tự, nhanh chóng và đặc biệt là bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Hệ thống quản lý tiêm chủng E-vaccine có đầy đủ các chức năng để quản lý toàn diện quá trình tiêm chủng như: Hỗ trợ người dân đăng ký và đặt lịch tiêm chủng, thực hiện tiếp đón nhanh chóng bằng việc quét mã QR, hỗ trợ y, bác sĩ khám sàng lọc, quản lý tiêm và theo dõi sau tiêm, quản lý kho vaccine và hỗ trợ thống kê, báo cáo cũng như đưa ra các cảnh báo cho cán bộ quản lý.

Theo đó, người dân có thể đăng ký lịch tiêm nhanh chóng ngay tại nhà qua việc quét mã QR trên căn cước công dân mới. Khi người dân đến điểm tiêm chủng, chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân và thông qua mã QR trên thẻ căn cước công dân, các quy trình e-KYC sẽ kiểm duyệt thông tin nhanh chóng, chính xác để xác thực định danh người dân. Toàn bộ quy trình phục vụ thực hiện tiêm chủng được phần mềm hóa, thực hiện hoàn toàn trên hệ thống máy tính hoặc thiết bị điện thoại.

Chính vì vậy sẽ giảm thời gian chờ đợi của người dân, thời gian tiếp đón của cán bộ y tế, làm tăng sự hài lòng của người dân cũng như tăng công suất tiêm chủng.

Hơn nữa, qua hệ thống này, việc theo dõi, quản lý kho vaccine cũng như việc thống kê, báo cáo số lượng mũi tiêm, độ tuổi tiêm chủng cũng được tổng hợp hằng ngày, làm cơ sở để đưa ra các phân tích bảo đảm tiến độ tiêm chủng cũng như giúp cơ quan quản lý y tế lập kế hoạch để triển khai thực hiện, cung ứng các đợt vaccine tiếp theo.

Trong quá trình thí điểm, cơ quan chức năng đã nhận được phản hồi như thế nào về hệ thống E-vaccine? Có ý kiến hỏi rằng nếu chưa có căn cước công dân mới thì người dân sử dụng phần mềm này như nào?

Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh: Qua triển khai thí điểm tại điểm tiêm chủng ở Bệnh viện Xanh Pôn, chúng tôi đã ghi nhận được hiệu quả của phần mềm này mang lại. Người dân đến tiêm chủng và các y, bác sĩ của Bệnh viện Xanh Pôn đánh giá cao tính ưu việt của phần mềm.

Việc triển khai thí điểm thành công Hệ thống quản lý tiêm chủng E-vaccine đánh dấu bước khởi đầu tốt đẹp cho việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác tiêm chủng, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang gấp rút thực hiện “chiến lược vaccine” để đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Đối với trường hợp chưa có thẻ căn cước công dân, người dân có thể dùng chứng minh thư nhân dân, chúng tôi sẽ có các bước thẩm định với dữ liệu dân cư, qua đó xác định thông tin của công dân một cách chuẩn xác nhất.

Sau khi triển khai thí điểm, E-vaccine sẽ tiếp tục được hoàn thiện, tăng ưu việt để trong thời gian tới Bộ Y tế có thể tiếp nhận và đưa vào triển khai trên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 của Bộ Y tế. Chúng tôi sẽ phối hợp với các bên để xác định thời gian cụ thể.

Với nhiều ứng dụng khai báo y tế và quản lý tiêm chủng khác nhau như hiện nay, các cơ quan chức năng có kế hoạch gì trong chia sẻ dữ liệu dùng chung trên CSDL quốc gia về dân cư nhằm phục vụ công tác truy vết và quản lý tiêm phòng COVID-19, thưa ông?

Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh: Chỉ đạo của Chính phủ là cần thường xuyên rà soát hệ thống CSDL quốc gia về dân cư bảo đảm kế thừa, kết nối, chia sẻ, dùng chung, không trùng lặp, tiết kiệm, hiệu quả; những nội dung nào trong CSDL dân cư đã có thì các bộ, ngành khai thác, tận dụng, không phải đầu tư mới.

Do đó, vừa qua, Bộ Công an, Bộ Y tế và Bộ TT&TT đã có buổi làm việc về chia sẻ dữ liệu dùng chung trên CSDL quốc gia về dân cư nhằm phục vụ công tác truy vết và quản lý tiêm vaccine phòng COVID-19. Qua đó, thống nhất sẽ có các phương án triển khai kết nối CSDL quốc gia về dân cư phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian sớm nhất, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Chúng tôi cũng rất mong Bộ Y tế, Bộ TT&TT hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tích hợp cơ sở dữ liệu dùng chung trong quản lý y tế và quản lý tiêm chủng; hỗ trợ về mặt chuyên môn, kỹ thuật để Bộ Công an có thể nhanh chóng triển khai việc kết nối và sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư vào công tác truy vết ca nhiễm COVID-19, xác thực thông tin công dân phục vụ quản lý phương tiện, quản lý tiêm chủng, góp phần kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Giang (thực hiện)