• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Khai thác nguồn lực để đầu tư, quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao

(Chinhphu.vn) - Hà Nội đang xây dựng các cơ chế khuyến khích xã hội hóa để khai thác tối đa nguồn lực cho đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân về sinh hoạt cộng đồng, hưởng thụ văn hóa, tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xã hội...

13/06/2022 17:50

Khai thác nguồn lực để đầu tư, quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao - Ảnh 1.

Nhà thi đấu Trung tâm văn hoá-thông tin và thể thao huyện Thanh Trì phục vụ SEA Games 31. Ảnh: VGP/DA

Mục tiêu là đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân

Một trong những nhiệm vụ được cụ thể hoá trong Nghị quyết số 09 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" là đầu tư, phát triển hệ thống các thiết chế văn hóa.

Hà Nội hiện có 30 thiết chế văn hóa, thể thao cấp thành phố, 57 thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện, 136 trung tâm văn hoá, thể thao cấp xã, trên 4.200 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố.

Giai đoạn 2015-2021, Thành phố đã quan tâm đầu tư và hỗ trợ đầu tư cho 74 dự án văn hóa, thể thao với tổng nguồn kinh phí hơn 1.550 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2021, các quận, huyện, thị xã đã đầu tư hơn 11.900 tỷ đồng cho công tác xây dựng và hỗ trợ duy trì hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao.

Những thiết chế văn hóa cơ sở đã trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về hưởng thụ văn hóa, sáng tạo và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xã hội. Nhiều thiết chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân. 

Là một trong 5 huyện tích cực hoàn thiện các tiêu chí để đưa huyện thành quận vào năm 2023, huyện Đông Anh đã và đang nỗ lực triển khai đề án về nâng cao chất lượng nhà văn hóa, khu thể thao và đề án phát triển văn hóa thể thao giai đoạn 2020-2025. Hiện nay, toàn huyện có 1 nhà văn hóa cấp huyện được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại trên khu đất rộng dần 7 ha, là tổ hợp công trình mang tính biểu trưng cho văn hóa lịch sử truyền thống huyện Đông Anh, 1 nhà thi đấu đa năng, 9 trung tâm văn hóa thể thao cấp xã và 180 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đạt chuẩn, cơ bản đáp ứng tiêu chí 100% thôn tổ dân phố có nhà văn hóa.

Tại huyện Thạch Thất, sau sáp nhập còn 122 thôn, tổ dân phố, trong đó có 111 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa. Các thôn có 2 nhà văn hóa trở lên đã lựa chọn nơi có vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt nhất để làm nhà văn hóa cho thôn, số nhà văn hóa còn lại được sử dụng cho sinh hoạt của các chi đoàn, chi hội, các hoạt động vui chơi, thể thao đơn giản, các câu lạc bộ dưỡng sinh cho nhân dân tại các thôn, xóm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tổ chức các hội nghị, sự kiện của thôn, nhà văn hóa, khu thể thao thôn còn được dùng làm nơi sinh hoạt, tập luyện của các câu lạc bộ, thu hút đông đảo hội viên tham gia, tạo ra những sân chơi bổ ích cho nhiều đối tượng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, rèn luyện thể chất cho nhân dân, đồng thời tìm kiếm, phát hiện nhân tố mới, kinh nghiệm hay nhằm thúc đẩy sự phát triển văn hóa, thể thao trong quần chúng.

Trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến triển khai thực hiện các dự án xã hội hóa: Nhà hát Opera và khu văn hóa đa năng Quảng An (tổng mức đầu tư 11.996 tỷ đồng); công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng)…

Tại các khu chung cư, nhà tái định cư, phòng sinh hoạt cộng đồng cũng đang dần được chính quyền các cấp quan tâm đầu tư xây dựng. Thành phố hiện có 928 nhà chung cư thương mại, trong đó có trên 660 tòa thành lập ban quản trị. Đã có trên 500 nhà chung cư bàn giao phòng sinh hoạt cộng đồng cho ban quản trị. Thành phố hiện có 177 toà chung cư tái định cư, trong đó gần 130 tòa có diện tích sinh hoạt cộng đồng.

Hiện nay, 100% các xã trên địa bàn Thành phố đã hoàn thiện quy hoạch đất xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao xã. Nhiều năm qua, triển khai phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", kết hợp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hệ thống nhà văn hóa tổ dân phố, thôn, làng đã được cải thiện đáng kể.

Thiết chế văn hóa vẫn còn thiếu, có nơi sử dụng chưa đúng mục đích

Theo đánh giá của UBND TP. Hà Nội, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập cần được quan tâm, khắc phục trong thời gian tới như: Các thiết chế văn hóa vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, xuống cấp cần được đầu tư, cải tạo. Chưa có nhiều các công trình văn hóa, thể thao, khu vui chơi đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của nhân dân.

Một trong những mục tiêu mà Thành ủy Hà Nội đề ra tại Chương trình số 04 về "Phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" giai đoạn 2016-2020 là hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ Thành phố tới cơ sở. Đến năm 2020, bảo đảm 100% thôn, làng có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng. Cơ bản có điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng hoặc nhà văn hóa ở các tổ dân phố.

Tuy nhiên, hiện nay, toàn Thành phố mới có 136/579 xã, phường, thị trấn có công trình trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, đạt tỉ lệ 24,0%. Trong đó có trên 2.200 nhà văn hóa thôn, đạt 97 %; trên 1.900 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt tổ dân phố, mới đạt tỉ lệ 65,5%. Có 5/18 huyện, thị xã và 4/12 quận chưa có một trung tâm văn hoá xã, phường.

Trong tổng số hơn 4.200 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố, chỉ có hơn 1.900 nhà văn hóa đáp ứng tiêu chí cơ bản về quy mô, diện tích xây dựng, trang thiết bị; hơn 2.100 nhà văn hóa chưa đáp ứng các tiêu chí cơ bản; 18 nhà văn hóa nằm trong khuôn viên di tích; 187 nhà văn hóa xuống cấp không đảm bảo điều kiện sinh hoạt...

Nam Từ Liêm là quận duy nhất trên địa bàn thành phố chưa có trung tâm văn hóa thông tin và thể thao cấp quận.

Các thiết chế văn hóa cơ sở nhiều nơi bị xuống cấp, thiếu đồng bộ. Đặc biệt, do chưa có hướng dẫn quản lý nên nhiều thiết chế văn hóa, vốn là tài sản công Nhà nước đầu tư, lại chưa được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao

Để hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của nhân dân, Hà Nội đã xác định giải pháp, lộ trình để quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao theo hướng rà soát tổng thể, cập nhật và điều chỉnh, bổ sung về lĩnh vực này. Thành phố sẽ quan tâm dành quỹ đất cho các thiết chế văn hóa và thể thao; dành nguồn lực từ đầu tư công, thực hiện chính sách xã hội hóa nhằm thu hút đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thời gian tới Thành phố sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp. Trong đó, tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy các kết quả đạt được, tập trung thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở; rà soát cập nhật quy hoạch văn hóa Hà Nội vào Quy hoạch chung của Thành phố. Tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn Thành phố. 

Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng tập trung ban hành các cơ chế chính sách cho các thiết chế văn hóa thể thao phù hợp với thực tế. Chú trọng khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư các thiết chế văn hóa; ban hành quy chế quản lý, khai thác và hoạt động của các nhà văn hóa cấp xã, thôn, tổ dân phố; ban hành hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn...

Trước mắt, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm như: Cung thiếu nhi Hà Nội, Cung Văn hóa thể thao thanh niên, các công viên, các khu vui chơi giải trí và các công trình vốn ngoài ngân sách khác. Chỉ đạo rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn quy chế quản lý, khai thác, tổ chức hoạt động của các trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố.

Hòa An