Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, việc khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai thông qua các hình thức: 1- Mạng internet, mạng chuyên dùng; 2- Cổng thông tin điện tử về đất đai do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu đất đai quy định; 3- Dịch vụ tin nhắn; 4- Phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu; 5- Hợp đồng khai thác, sử dụng dữ liệu đất đai theo quy định của pháp luật; 6- Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Việc khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai phải trả phí và chi phí cung cấp dữ liệu, trừ các trường hợp sau đây: Danh mục dữ liệu có trong cơ sở dữ liệu đất đai; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt; khung giá đất, bảng giá đất đã công bố; thông tin về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; cung cấp dữ liệu đất đai để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước; phục vụ cho các mục đích quốc phòng và an ninh, phục vụ yêu cầu trực tiếp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và trong tình trạng khẩn cấp.
Phí và chi phí cung cấp dữ liệu đất đai
Theo dự thảo, phí và chi phí cung cấp dữ liệu đất đai bao gồm: Phí khai thác và sử dụng dữ liệu đất đai; chi phí in ấn, sao chụp hồ sơ, tài liệu; chi phí gửi tài liệu (nếu có).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể mức thu phí và chi phí cung cấp dữ liệu đất đai trong cơ sở dữ liệu đất đai Quốc gia. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân mức thu phí khai thác và sử dụng dữ liệu đất đai tại địa phương.
Khai thác dữ liệu trên mạng internet, cổng thông tin đất đai, dịch vụ tin nhắn
Tổ chức, cá nhân khi khai thác dữ liệu đất đai trên mạng internet, cổng thông tin đất đai phải đăng ký và được cấp quyền truy cập, khai thác dữ liệu từ hệ thống thông tin đất đai.
Tổ chức, cá nhân được cấp quyền truy cập có trách nhiệm: Truy cập đúng địa chỉ, mã khoá; không được làm lộ địa chỉ, mã khoá truy cập đã được cấp; khai thác dữ liệu trong phạm vi được cấp, sử dụng dữ liệu đúng mục đích, không xâm nhập trái phép cơ sở dữ liệu đất đai; quản lý nội dung các dữ liệu đã khai thác, không được cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác trừ trường hợp đã được thỏa thuận, cho phép bằng văn bản của cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai; không được thay đổi, xóa, huỷ, sao chép, tiết lộ, hiển thị, di chuyển trái phép một phần hoặc toàn bộ dữ liệu; không được tạo ra hoặc phát tán chương trình phần mềm làm rối loạn, thay đổi, phá hoại hệ thống thông tin đất đai; thông báo kịp thời cho cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai về những sai sót của dữ liệu đã cung cấp.
Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai có trách nhiệm: Bảo đảm cho tổ chức, cá nhân truy cập thuận tiện; có công cụ tìm kiếm dữ liệu dễ sử dụng và cho kết quả đúng nội dung cần tìm kiếm; bảo đảm khuôn dạng dữ liệu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định để dễ dàng tải xuống, hiển thị nhanh chóng và in ấn bằng các phương tiện điện tử phổ biến; hỗ trợ tổ chức, cá nhân truy cập hệ thống thông tin đất đai; bảo đảm tính chính xác, thống nhất về nội dung, cập nhật thường xuyên và kịp thời của dữ liệu trong hệ thống thông tin đất đai; quy định rõ thời hạn tồn tại trực tuyến của từng loại thông tin; thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Dự thảo nêu rõ, trường hợp tạm ngừng cung cấp dữ liệu, dịch vụ có liên quan trên môi trường mạng, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai có trách nhiệm thông báo công khai chậm nhất là 7 ngày làm việc trước khi chủ động tạm ngừng cung cấp dữ liệu, dịch vụ có liên quan trên mạng để sửa chữa, khắc phục các sự cố hoặc nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng thông tin; nội dung thông báo phải nêu rõ khoảng thời gian dự kiến phục hồi các hoạt động cung cấp dữ liệu, dịch vụ có liên quan trên môi trường mạng, trừ trường hợp bất khả kháng. Đồng thời, tiến hành các biện pháp khắc phục sự cố ngay sau khi hệ thống thông tin đất đai bị lỗi trong quá trình hoạt động làm ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc gây ngừng cung cấp dữ liệu, dịch vụ có liên quan trên môi trường mạng.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn