Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động nước ngoài Đào Công Hải - Ảnh: Chinhphu.vn |
Hiện Việt Nam có khoảng 500.000 lao động đang làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khối ASEAN, có 150.000 lao động, chủ yếu làm việc ở Malaysia. Ngoài ra còn có một số lao động có tay nghề, lao động trình độ cao đang làm việc tại Singapore, một phần lao động nữa làm việc tại Brunei và Myanmar.
85% lao động xuất khẩu của Việt Nam là lao động phổ thông. Chúng ta cần phải đào tạo để nâng cao tỷ lệ lao động có nghề, có trình độ cao, như vậy thu nhập sẽ cao hơn.
Điểm sáng trong xuất khẩu lao động mà chúng ta đã làm được là xóa đói giảm nghèo. Lao động của chúng ta nếu đi làm việc ở nước ngoài sau 3 năm trở về sẽ trở thành một lực lượng quan trọng để chuyển dịch cơ cấu lao động trong sự nghiệp hiện đại hóa đất nước.
Đâu là những thách thức mà lao động Việt Nam gặp phải khi làm việc ở các nước ASEAN?
Lao động của Việt Nam ở các nước ASEAN không gặp khó khăn nhiều bởi các nước thành viên có nền văn hóa tương đồng. Cái khó là làm sao lao động Việt Nam có trình độ ngoại ngữ tốt và đặc biệt là tác phong kỷ luật lao động để hòa nhập nhanh với dây chuyền sản xuất hiện đại, đây là điều mà chúng ta phải đào tạo trước khi đưa lao động ra nước ngoài.
Bộ LĐ-TBXH sẽ làm như thế nào để khắc phục hai khó khăn trên?
Cần phải gắn kết lao động với những dự án để làm sao mỗi lao động tận dụng được thời gian trước khi đi lao động nước ngoài được học ngoại ngữ, tham gia làm việc ở nhà máy hoặc công trường để từ đó rèn luyện tác phong kỷ luật lao động để khi ra nước ngoài lao động của ta hòa nhập nhanh.
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng xuất khẩu lao động sau Cuộc họp ACMW-3?
Nhu cầu lao động của các nước ASEAN còn rất lớn, vấn đề là ở chính khả năng đáp ứng của Việt Nam. Hiện có hai vấn đề liên quan là tay nghề và trình độ ngoại ngữ. Hy vọng trong thời gian đào tạo lao động từ 3-6 tháng trước khi đi, cơ bản các doanh nghiệp Việt Nam có thể đảm bảo được.
Hiện nay, lao động Việt Nam vẫn không muốn đi các thị trường có thu nhập thấp. Thị trường Malaysia có thu nhập từ 3-5 triệu tới 6 triệu đồng tùy theo từng hợp đồng. Chúng tôi hi vọng tới đây cần có sự động viên khuyến khích lao động Việt Nam sang Malaysia và các thị trường có thu nhập thấp khác. Sau ba năm làm việc ở đây thì lao động Việt Nam có thể tiếp tục đến những thị trường có thu nhập cao hơn. Với cách làm như vậy, chúng ta sẽ đảm bảo số lượng lao động xuất khẩu sẽ tăng.
Việt Nam có chiến lược dài hơi nào đó để cùng với ASEAN hướng tới một thị trường lao động chung?
Chính phủ đã có những chủ trương chỉ đạo, có dự án đào tạo cho thanh niên, nông dân. Với những dự án đó, mỗi bạn thanh niên đều có cơ hội để được đào tạo nghề và trang bị cho mình một ngoại ngữ nhất định, từ đó có thể sẵn sàng tham gia xuất khẩu lao động.
Với những công việc mà lao động Việt Nam đang đảm nhận tại các nước ASEAN, lao động phổ thông của chúng ta đáp ứng được khá tốt bởi lẽ sản xuất có rất nhiều công đoạn, lao động Việt Nam chỉ cần đào tạo khoảng thời gian từ 3-6 tháng có thể đáp ứng được tại một công đoạn nhất định.
Xin ông cho biết tình hình xuất khẩu lao động ở 62 huyện nghèo theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020?
Đề án thí điểm xuất khẩu lao động đã thực hiện được ở 75% số huyện nghèo và đã đưa được trên 5.000 lao động ra nước ngoài làm việc. Đề án này có nhiều ưu đãi cho lao động ở các huyện nghèo như được học văn hóa, được đào tạo ngoại ngữ, học nghề, do Chính phủ tài trợ.
Thuận lợi của lao động ở các huyện này là được tiếp cận với những hợp đồng đơn giản, có thể là một tổ sản xuất chỉ cần có một người giỏi tiếng, giỏi nghề để quản lý, do vậy vấn đề ngoại ngữ không phải là điều kiện tiên quyết.
Cho đến giờ phút này, công việc của nhóm lao động này rất tốt. Mức lương dao động từ 3,5-5 triệu đồng. Với các huyện nghèo, mức thu nhập như vậy rất có ý nghĩa.
Hải Minh