Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là nội dung được quy định tại Thông tư số 28/2016/TT-BYT hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp của Bộ Y tế.
Theo đó, người lao động đã được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp được khám định kỳ thời gian 6 tháng, 12 tháng tùy từng bệnh theo quy định như: 6 tháng khám định kỳ đối với bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp; bệnh nhiễm độc chì nghề nghiệp; bệnh nhiễm độc nghề nghiệp do benzen và đồng đẳng; bệnh nhiễm độc thủy ngân, mangan, asen nghề nghiệp, bệnh phóng xạ nghề nghiệp, .. 12 tháng khám định kỳ đối với bệnh bụi phổi silic, amiăng, bông, than nghề nghiệp; bệnh hen phế quản nghề nghiệp; bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn…
Trước khi khám định kỳ cho người mắc bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động hoặc người lao động phải gửi cho cơ sở khám bệnh nghề nghiệp hồ sơ bao gồm: Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động; hồ sơ bệnh nghề nghiệp. Trường hợp người lao động đã thôi việc, nghỉ việc, nghỉ chế độ thì người lao động tự chuẩn bị hồ sơ bệnh nghề nghiệp.
Cơ sở khám bệnh nghề nghiệp tổ chức khám cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp. Kết thúc đợt khám, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp có trách nhiệm ghi đầy đủ kết quả khám định kỳ trong hồ sơ bệnh nghề nghiệp; tổng hợp kết quả khám định kỳ bệnh nghề nghiệp theo mẫu quy định.
![]() |
Ảnh minh họa |
Khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc
Thông tư nêu rõ, đối tượng khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc là người lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Luật an toàn, vệ sinh lao động: Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.
Việc khám sức khỏe cho người lao động phải được thực hiện trước khi bố trí người lao động vào làm các công việc có yếu tố có hại.
Ngoài các nội dung khám quy định, bác sỹ Trưởng đoàn khám chỉ định khám chuyên khoa phù hợp với vị trí làm việc của người lao động. Căn cứ vị trí làm việc của người lao động và chỉ định khám chuyên khoa của Trưởng đoàn khám, người thực hiện khám chuyên khoa có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp với vị trí làm việc của người lao động đó.
Trường hợp người lao động đã được khám sức khỏe theo hướng dẫn tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT thì sử dụng kết quả khám sức khỏe còn giá trị và thực hiện khám chuyên khoa theo quy định.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định về các trường hợp điều tra bệnh nghề nghiệp là: người lao động có yêu cầu điều tra bệnh nghề nghiệp có liên quan đến bản thân mà chưa được giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động; xảy ra nhiều trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp cấp tính hoặc nhiều người bị ốm, mắc bệnh trong cùng một thời điểm tại một cơ sở lao động; kết quả quan trắc môi trường lao động vượt giới hạn cho phép nhưng không có trường hợp người lao động được phát hiện bệnh nghề nghiệp hoặc cơ sở lao động không thực hiện quan trắc môi trường lao động và khám sức khỏe cho người lao động…
Lưu Thủy