• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Khẩn trương tổ chức thực hiện, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống

Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" vừa ban hành đã thu hút sự quan tâm đặc biệt và kỳ vọng trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị vừa có bài viết về việc tổ chức thực hiện, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

17/02/2012 08:27
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).

Ảnh: dangcongsan.vn


Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" vừa ban hành đã thu hút sự quan tâm đặc biệt và kỳ vọng trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Ba vấn đề cấp bách nhất đã nêu trong Nghị quyết đều hết sức quan trọng và cần thiết phải làm. Đã có rất nhiều ý kiến đánh giá chân thành của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, giới văn nghệ sĩ, trí thức, cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, đều rất xác đáng. Theo tôi, điều quan trọng nhất, cần làm ngay hiện nay là Nghị quyết đã được ban hành thì cần khẩn trương tổ chức thực hiện, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Tránh tình trạng, nghị quyết ban hành rồi mà chậm triển khai.

Trong ba vấn đề cấp bách, tôi đặc biệt quan tâm chú ý đến vấn đề thứ hai. Đó là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là việc cấp bách Đảng ta cần phải làm với những giải pháp và biện pháp hữu hiệu. Ở thời kỳ nào thì công tác tổ chức và cán bộ cũng đều rất quan trọng, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cơ sở đến Trung ương. Như Bác Hồ đã nói: "Kế hoạch một phần, biện pháp phải hai phần và quyết tâm phải ba phần".

Việc đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương cần phải hết sức thận trọng, nhưng cũng cần phải nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá một cách nghiêm túc, đúng thực trạng. Vấn đề đặt ra là phải làm kiên quyết, đừng để công tác đánh giá, tổ chức cán bộ thiếu khách quan, dân chủ, làm mất niềm tin đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tôi đánh giá cao việc Trung ương lần này thẳng thắn đánh giá thực trạng về công tác cán bộ, đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp hiện nay. Đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng nhưng chưa được triển khai một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ nhiều khi còn bị động, hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước. Hồi công tác ở Ban Tổ chức T.Ư, tôi nhớ có lần đồng chí Lê Đức Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư khi ấy đã ví công tác nhân sự, nhất là bố trí cán bộ chủ chốt, có lúc như đốt đuốc tìm người. Bài học về đào tạo cán bộ, cách dùng người của Bác Hồ đến nay vẫn còn giá trị sâu sắc. Như chúng ta đều biết, Bác Hồ đã lãnh đạo Đảng, dân tộc ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bác mất đi khi dân tộc ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bác mất đi nhưng các đồng chí cán bộ của Đảng được Bác dìu dắt, đào tạo vẫn lãnh đạo Đảng, dân tộc ta tiến hành thành công cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất non sông. Vì thế, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương đặc biệt quan trọng.

Với 25 năm công tác ở Ban Tổ chức T.Ư, tôi nghiệm thấy rằng, đối với công tác tổ chức, cán bộ thì yếu tố quyết định là lựa chọn đúng người đủ tiêu chuẩn, sắp xếp hợp lý những cán bộ lãnh đạo chủ chốt; đề cao trách nhiệm, chủ động, tích cực của các tổ chức, từng cán bộ, đảng viên. Người cán bộ lãnh đạo cần phải đi sâu nắm bắt kịp thời, giải quyết cụ thể tại chỗ những khó khăn phức tạp nảy sinh trong thực tiễn. Đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ về mọi mặt, việc này giữ vị trí quyết định để nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng. Đào tạo cán bộ theo chức trách của mỗi người. Hình thức đào tạo là vừa tập trung ở trường lớp, vừa qua công tác thực tế, sơ kết, tổng kết công tác, tự phê bình và phê bình. Người làm công tác tổ chức cần có phẩm chất: trung thành, trung thực, khách quan, vô tư, luôn đổi mới, vững vàng về nguyên tắc...; thường xuyên tự học tập, rèn luyện, gương mẫu về phẩm chất đạo đức cách mạng; có tinh thần thật sự tin yêu cán bộ, đảng viên, tha thiết với sự nghiệp xây dựng Đảng. Cán bộ tổ chức mà nặng đầu óc cá nhân chủ nghĩa thì nguy hiểm cho Đảng, cho dân vô cùng. Cán bộ, đảng viên cần luôn thấm nhuần lời dạy của Bác: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân".

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế là rất cần thiết và cấp bách. Muốn có một đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp Trung ương đáp ứng được yêu cầu, thì Đảng ta cần sớm có chiến lược, thực hiện chiến lược một cách bài bản. Vì vậy, Đảng ta cần tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch gắn với đào tạo, sử dụng cán bộ. Chủ trương luân chuyển cán bộ đã được Đảng ta triển khai từ trước đến nay và cần tiếp tục triển khai trong giai đoạn tới. Cán bộ thuộc diện quy hoạch cần phải đào tạo qua thực tiễn ở cơ sở, qua nhiều vị trí, công việc thì mới trưởng thành. Tránh tình trạng quy hoạch "treo", hoặc bố trí cán bộ không phù hợp năng lực chuyên môn; luân chuyển lấy lệ, hình thức chủ nghĩa. Kiên quyết xử lý tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương. Kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, giảm sút uy tín, vi phạm pháp luật, chính sách của Nhà nước, kỷ luật của Đảng. Lâu nay, chúng ta ít quan tâm đến vấn đề tiêu chuẩn về sức khỏe và trí tuệ của đội ngũ cán bộ. Để gánh vác công việc của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước cần quan tâm đặc biệt đến việc nâng cao chất lượng nòi giống người Việt Nam và phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài. Có nâng cao chất lượng nòi giống người Việt Nam thì mới có được những con người, hay nói xa hơn là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có sức khỏe và trí tuệ tốt để gánh vác những công việc mà Đảng, Nhà nước giao phó.

Trước khi diễn ra Đại hội XI của Đảng, tôi cũng đã đóng góp nhiều ý kiến với Ban Chấp hành Trung ương. Trung ương cần khắc phục tình trạng ban hành quá nhiều nghị quyết, ít quan tâm đến việc tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết. Có những nghị quyết ban hành nhưng rất khó thực hiện, hoặc là không đi vào cuộc sống. Vì vậy, cùng với việc tiến hành Đại hội, Trung ương cũng cần chú ý khâu ban hành, tổ chức thực hiện nghị quyết; việc ban hành nghị quyết cần có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát. Tôi rất hoan nghênh lần này Trung ương đã ban hành các nghị quyết rất quan trọng theo quan điểm: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt.

Tôi cũng tán thành với giải pháp mà Nghị quyết đề ra. Cần phải triển khai thực hiện quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2020; tích cực tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tham mưu, chuyên gia cấp chiến lược. Thực hiện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ trì cấp trên nói chung phải qua chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ trì ở cấp dưới. Hướng dẫn để sớm thực hiện quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Quy định việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Những người hai năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ cần được xem xét, cho thôi giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Một Đảng biết nhận ra những sai lầm, khuyết điểm để sửa chữa là một Đảng tiến bộ. Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" cần được khẩn trương triển khai để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.