Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sáng 25/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Dự thảo Luật có 8 chương và 57 điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 9 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP.
Đột phá lớn để thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc xây dựng và ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trong thời điểm này là rất cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
Mục đích hướng đến là tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực, ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, bảo đảm an toàn, tin cậy hơn.
Về phạm vi sửa đổi, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi áp dụng giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội. Việc mở rộng này dựa trên cơ sở hiện nay công nghệ số đã sẵn sàng, phổ biến, an toàn, tin cậy, đáp ứng được yêu cầu đặt ra và bổ sung quy định pháp lý về dịch vụ tin cậy trong Luật.
Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi, quy định chi tiết cách thức xác định giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu. Bổ sung quy định điều kiện bảo đảm giá trị pháp lý khi chuyển đổi từ bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại. Bổ sung quy định về chứng thư điện tử. Việc đưa ra khái niệm chứng thư điện tử và bảo đảm giá trị pháp lý cho hình thức này là một bước đột phá lớn để thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử trong các ngành, lĩnh vực và xã hội, toàn bộ từ đầu đến cuối bằng phương tiện điện tử.
Bảo đảm an ninh không gian mạng
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
Ông Lê Quang Huy nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật lần này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng.
Qua đó, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên không gian mạng.
Đa số ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam.
Về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị bổ sung khái niệm "chứng từ điện tử" để áp dụng trong thực tiễn, bổ sung nội dung Điều 10 để thể hiện được giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu và phù hợp với tên Điều. Cần quy định về thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản tại Điều 11 cho phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật về công chứng. Đồng thời, nghiên cứu, chỉnh sửa lại quy định chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu (Điều 14) cho phù hợp với thực tế, đặc biệt là hoạt động của ngân hàng thương mại, hải quan... rà soát quy định giá trị pháp lý của văn bản giấy như bản gốc cho rõ ràng, thống nhất với Luật Kế toán hiện hành.
Bên cạnh đó, đề nghị quy định cụ thể cách thức, hình thức, nội dung nguồn gốc khởi tạo, lưu trữ đối với dữ liệu dưới dạng thông điệp tại Khoản 1, Điều 15 dự thảo Luật.
Nhật Nam