• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Khẳng định sức sống bền bỉ của khoa học lý luận chính trị

(Chinhphu.vn) - Nhiều công trình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ sắp tới đây đã cho thấy sức sống bền bỉ của khoa học lý luận chính trị trong giáo dục chính trị - đạo đức cho các thế hệ và đóng góp vào công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

22/11/2022 08:24

Trong số đó có công trình "Về cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay" tập hợp 64 bài viết, gồm 1.131 trang của cố GS. Nguyễn Đức Bình - một trong những nhà lý luận hàng đầu của Việt Nam.

Khẳng định sức sống bền bỉ của khoa học lý luận chính trị - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng chia sẻ về cố GS. Nguyễn Đức Bình và công trình "Về cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay" - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Tư tưởng xuyên suốt của công trình khoa học là khẳng định và bảo vệ chủ thuyết phát triển của Việt Nam thời đại ngày nay, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Công trình đã luận giải một cách sâu sắc có cơ sở lý luận - thực tiễn những nguyên nhân khách quan và chủ quan về sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu. Đồng thời luận giải một cách thuyết phục về tính tất yếu lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa của cách mạng Việt Nam. Đó là sự lựa chọn của chính lịch sử dân tộc, đồng thời đi đến khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là do sự lựa chọn của chính thực tiễn lịch sử Việt Nam.

Công trình khoa học đã góp phần làm sâu sắc thêm "tư tưởng cách mạng không ngừng" của chủ nghĩa Marx-Lenin, luận giải vấn đề độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam trải qua các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện hai chiến lược cách mạng ở hai miền Nam Bắc và thời kỳ đổi mới cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời làm sâu sắc thêm nhận thức những vấn đề cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, về mối quan hệ giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Marx-Lenin. Đây là một trong những cơ sở khoa học để khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng.

Theo PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, học trò của cố GS. Nguyễn Đức Bình, giá trị và tầm ảnh hưởng của công trình này gắn chặt với vai trò trách nhiệm của tác giả, với tư cách là một người cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng trong thời điểm lịch sử có tính bước ngoặt của cách mạng Việt Nam, nhờ vậy đã được lan toả một cách sâu rộng trong xã hội, đến nay vẫn còn giá trị đối với lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học đổi mới ở Việt Nam.

Năm 1996, GS Nguyễn Đức Bình là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và là Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 1996-2001. Với cuơng vị và trách nhiệm đó, GS. Bình đã đóng góp rất quan trọng vào công tác lý luận của Đảng.

Công trình "Về cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay" đã góp phần làm sâu sắc thêm lý luận chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên nhiều khía cạnh như: Phép biện chứng duy vật, những vấn đề phương pháp luận, đến mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, vấn đề xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị và tổ chức, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về văn hoá và con người, về công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, về dân chủ hoá trong Đảng, xây dựng văn hoá Đảng, chống tự diễn biến, về giáo dục chính trị tư tưởng, về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, về đấu tranh tư tưởng, lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong điều kiện hiện nay.

"Từng được tham gia trong ban biên soạn giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi nhớ mãi những ý kiến của GS. Nguyễn Đức Bình. Ông luôn nhấn mạnh sự tổng kết thực tiễn lịch sử Đảng để làm rõ những quy luật, những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam và phải đặc biệt chú trọng nguyên tắc tính Đảng và tính khoa học, vận dụng những kinh nghiệm và bài học lịch sử của Đảng vào công cuộc đổi mới", PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc nhớ lại.

Góp phần đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Một trong những cụm công trình xuất sắc nữa, đó là cụm công trình "Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, lý luận bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng" của cố GS. Trần Xuân Trường và 16 đồng tác giả.

Khẳng định sức sống bền bỉ của khoa học lý luận chính trị - Ảnh 2.

PGS.TS. Vũ Quang Lộc, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng chia sẻ về cụm công trình của cố GS. Trần Xuân Trường và các tác giả - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Tư tưởng xuyên suốt của công trình khoa học là khẳng định "Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là dòng sữa tinh thần nuôi sống dân tộc Việt Nam từ thời đại lập quốc xa xưa cho đến ngày nay và mãi mãi mai sau. Dân tộc Việt Nam còn thì còn chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa yêu nước như là động lực tinh thần chủ yếu của dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước".

Cụm công trình đã đưa ra khái niệm chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, luận giải sự hình thành, phát triển từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam đến chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa với những đặc trưng của nó.

Sự luận giải về chủ nghĩa yêu nước được đánh giá là sâu sắc, có sức thuyết phục, dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chiều sâu lịch sử dân tộc Việt Nam. Cái mới nổi bật của công trình là đưa ra quan niệm khoa học và luận giải về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đây là giá trị đạo đức cao nhất, phổ biến nhất của con người Việt Nam, là động lực tinh thần lớn nhất, trường tồn với với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Ngoài ra, công trình có giá trị và ý nghĩa trong giáo dục chính trị - đạo đức cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, đã được Tổng cục Chính trị đưa vào Tủ sách Hồ Chí Minh, trở thành tài liệu giáo dục thường xuyên đối với cán bộ chiến sĩ từ hàng chục năm nay.

PGS.TS. Vũ Quang Lộc, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, đồng thời cũng là một trong những tác giả của cụm công trình chia sẻ niềm phấn khởi, vui mừng khi hay tin đoạt giải.

"Đây là phần thưởng rất cao quý, vinh dự không chỉ cho các tác giả mà của cả Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng. Cụm công trình có công lao rất lớn của cố GS. Trần Xuân Trường. Cố giáo sư là người rất vững vàng về quan điểm chính trị nhưng cũng là một nhà khoa học cực kỳ nhạy bén với những cái mới", PGS.TS. Vũ Quang Lộc bày tỏ.

Trong điều kiện những năm đầu của sự nghiệp đổi mới khi mà hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới vừa mới sụp đổ, tư tưởng lý luận cũng đang bị khủng hoảng, nhiều vấn đề lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học chưa được sáng tỏ, kết quả nghiên cứu của cụm công trình về định hướng xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội thực sự là đột phá tư duy, là một cơ sở quan trọng để Đảng ta hoạch định những vấn đề trong Cương lĩnh, đường lối đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, các khái niệm định hướng xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực, trong đó có khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được bổ sung phát triển hoàn thiện cùng với quá trình phát triển tư duy của Đảng ta, nhưng quan niệm khoa học về định hướng xã hội chủ nghĩa khởi đầu do đề tài đề xuất vẫn cơ bản giữ nguyên giá trị.

Theo PGS.TS. Vũ Quang Lộc, hiện nay, các thế lực thù địch hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường, nhất là trong bối cảnh "mở cửa", thông tin như vũ bão, nếu không có quan điểm định hướng vững vàng thì sẽ rất khó khăn trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

"Mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những định hướng xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội mặc dù đã được cụm công trình công bố hơn 20 năm nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, qua đó đóng góp một phần rất quan trọng đối với công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay", PGS.TS. Vũ Quang Lộc bày tỏ.

Theo PGS.TS. Vũ Quang Lộc, những nhà khoa học, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội, đấu tranh lý luận tư tưởng nếu không kiên định, không kiên trì thì có thể sẽ bỏ cuộc vì đây là lĩnh vực rất khó và phức tạp, có khi mất rất nhiều năm để khảo sát, đúc rút kinh nghiệm...

Hiện nay, nhiều hoạt động mới mẻ thu hút sự chú ý của giới trẻ, nhưng công tác giáo dục chính trị tư tưởng đặc biệt là giáo dục những quan điểm cơ bản, những vấn đề đã được xác định trong đường lối của Đảng, vẫn là nền tảng để chúng ta giữ được những thành quả, bảo đảm cho sự vững vàng của thế hệ hôm nay và mai sau.

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ được xét tặng và công bố 5 năm/lần. Đến nay, Nhà nước đã tổ chức xét tặng và trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ 5 đợt, vào các năm 1996, 2000, 2005, 2010, 2015 và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ 4 đợt, vào các năm 2000, 2005, 2010, 2015.

Qua 5 lần tổ chức, đã có 234 công trình được tặng giải thưởng, trong đó 93 công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và 141 công trình đạt Giải thưởng Nhà nước.

Dự kiến, Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ đợt 6 sẽ được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 23/11 tới đây.

Hoàng Giang