Theo đó, kể từ năm nay, tỉnh Khánh Hòa dành 7 tỷ đồng để lần lượt tiến hành nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đối với nguồn tài nguyên nước, tác động đến cơ sở hạ tầng của các ngành, các địa phương ven biển trong tỉnh; ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học vùng biển ven bờ, qua đó đề ra các biện pháp ứng phó tương ứng. Từ năm 2012, Khánh Hòa chọn một địa phương ven biển để triển khai thí điểm Dự án Cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu theo nội dung “bền vững nghề và cư trú”, với kinh phí đầu tư khoảng 1 tỷ đồng.
Để nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Khánh Hòa dành 3 tỷ đồng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, thiết lập chuyên mục thông tin biến đổi khí hậu trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh...Từ năm 2012, Khánh Hòa sẽ hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu phục vụ việc tra cứu, sử dụng của các ngành, các cấp.
Khánh Hòa thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, với chiều dài bờ biển 385 km, có nhiều đầm, vịnh và hàng trăm đảo. Theo tính toán ban đầu của Đài khí tượng thủy văn Nam Trung bộ, đến giữa thế kỷ 21, mực nước biển Nha Trang (Khánh Hòa) có thể dâng thêm từ 28 - 33 cm, đến cuối thế kỷ con số này sẽ lên 65 - 100 cm, so với thời kỳ 1980 - 1999.
Tiên Minh