Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Lễ cắt băng khánh thành Đền thờ Vua Hàm Nghi cùng các tướng sĩ Cần Vương. Ảnh: VGP/Minh Trang |
Thành Tân Sở được xây dựng từ năm 1883-1885 trên tổng diện tích gần 23 ha, nhằm chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài. Sau sự kiện binh biến đêm 4/7/1885 tại kinh thành Huế, Tôn Thất Thuyết rước Vua Hàm Nghi ra thành Tân Sở.
Tại đây, ngày 13/7/1885, thay mặt Vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết đã ban Hịch Cần Vương kêu gọi nhân dân phò Vua đánh Pháp. Từ đó, thành Tân Sở trở thành trung tâm kháng chiến của phong trào yêu nước chống Pháp.
Hưởng ứng Hịch Cần Vương, nhân dân khắp cả nước dưới sự lãnh đạo của các văn thân, sĩ phu yêu nước đã nổi dậy đánh Pháp. Sau đó, thành Tân Sở bị giặc phá hủy hoàn toàn. Thành Tân Sở được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1995...
Các hiện vật, tài liệu về Vua Hàm Nghi được trưng bày trong Đền thờ. Ảnh: VGP/Minh Trang |
Tại buổi lễ, nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng: Đền thờ Vua Hàm Nghi cùng các tướng sĩ Cần Vương là nơi để tôn vinh, tri ân và phụng thờ vị vua cùng các tướng sĩ yêu nước trong phong trào Cần Vương. Đây là việc làm thể hiện lòng tri ân, tôn vinh sự xả thân vì dân tộc của các thế hệ cha ông đi trước. Đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm chung tay hưởng ứng chương trình “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân” do tạp chí Xưa &Nay (Cơ quan của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) phát động để có một pho tượng của Vua Hàm Nghi đặt tại nơi trang trọng nhất của đền thờ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh: Đền thờ Vua Hàm Nghi cùng các tướng sĩ Cần Vương là một địa điểm lịch sử, tâm linh linh thiêng ghi dấu nghĩa tình sâu nặng, lòng biết ơn sâu sắc của huyện Cam Lộ nói riêng cũng như tỉnh Quảng Trị nói chung đối với Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương.
Lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các ngành chức năng, nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh Quảng Trị và huyện Cam Lộ thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị to lớn của Khu di tích lịch sử thành Tân Sở, xứng tầm với di tích quốc gia. Đồng thời gắn kết với chuỗi các di tích trên địa bàn để tạo ra một sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.
Trước đó, ngày 12/7, UBND huyện Cam Lộ phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức Lễ rước Long vị Vua Hàm Nghi và bài vị Binh bộ Thượng thư Tôn Thất Thuyết cùng bài vị Kỳ vỹ quận công Nguyễn Văn Tường ra an vị tại Đền thờ ở Di tích Quốc gia thành Tân Sở, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ.