• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Khát vọng Thăng Long - khát vọng nhân nghĩa, khát vọng hòa bình

(Chinhphu.vn) - Khát vọng Thăng Long là một trong những bộ phim lịch sử rất được mong đợi vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Thông qua hình ảnh vị vua khởi nghiệp của vương triều Lý, lịch sử Việt Nam được tái hiện với khát vọng tự do, lòng yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam.

08/11/2010 17:39

Phim "Khát vọng Thăng Long" (đạo diễn Lưu Trọng Ninh đồng tác giả kịch bản) mô tả những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của Đức vua Lý Công Uẩn, cũng là các dấu mốc quan trọng trong lịch sử nước Đại Việt.

Đó là giai đoạn nội chiến, giành ngôi vị trong nội tộc và sự suy tàn của nhà tiền Lê. Chấm dứt nội chiến, kết thúc thời kỳ trị vì của nhà tiền Lê, sự khởi đầu của vương triều Lý cùng với quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long là mốc son mở ra thời đại mới cho Thăng Long và cho lịch sử Việt Nam.

Tuy còn nhiều điểm yếu như gắn kết giữa các câu chuyện còn rời rạc, phần âm nhạc dàn trải khiến bộ phim chưa có một khoảng lặng để tạo độ sâu lắng trong lòng người xem; nhiều đoạn thoại còn mang tính kịch và kết thúc gây hẫng... song có thể nói Khát vọng Thăng Long là một bộ phim lịch sử Việt Nam, do người Việt thực hiện với tất cả tấm lòng hướng về cội nguồn dân tộc, đã gây được thiện cảm nơi khán giả.

Một cảnh trong phim (cảnh đua trâu)

Bộ phim cũng đã thành công khi xây dựng hình tượng Vua Lý Công Uẩn (Quách Ngọc Ngoan thủ vai) nhân hậu, văn võ vẹn toàn, cương nghị, chính trực và đặc biệt là lòng yêu hòa bình, tự do, tương phản với hình ảnh Vua Lê Long Đĩnh (diễn viên Đình Toàn) thâm độc, tàn ác và đầy thù hận, toan tính.

Tuy nhiên, cuối cùng cái thiện, khát vọng tự do đã chiến thắng bạo tàn mở ra một thời kỳ lịch sử mới cho nước Việt bằng quyết định dời đô của Đức vua Lý Công Uẩn.

Bộ phim cũng cho thấy sự đầu tư kỹ lưỡng, chau chuốt về trang phục, các màn võ nghệ đẹp mắt, cách dàn cảnh chiến trường công phu cùng với nhiều cảnh quay rất Việt Nam với trẻ đua trâu, người phụ nữ chửa hoang bị gọt gáy thả trôi sông, những bà cụ già mặc váy đụp, áo yếm, tóc bạc ... 

Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã trao đổi với đạo diễn Lưu Trọng Ninh về thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm đến khán giả.

Khát vọng Thăng Long nói về khát vọng hòa bình của dân tộc Việt thông qua hình ảnh của Vua Lý Công Uẩn, xin đạo diễn cho biết vì sao ông lại gắn hình ảnh của Thăng Long-khát vọng tự do với hình ảnh Vua Lý Công Uẩn?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Khát vọng hòa bình là khát vọng từ hàng nghìn năm nay của dân tộc ta bởi trong hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc ta phải đương đầu với bao cuộc chiến tranh xâm lược. Tôi nhận thức sự vĩ đại của Vua Lý Công Uẩn theo cách của mình. Trong 8 triều đại nhà Lý thì duy nhất triều đại của ông không có chiến tranh. Mặc dù điều này còn tùy thuộc vào yếu tố ngoại cảnh, nhưng rõ ràng đây là con người rất yêu hòa bình và tôi cố gắng mô tả lại con người vĩ đại ấy.

Tôi muốn gửi gắm đến người xem hình ảnh của mảnh đất Thăng Long nghìn năm lịch sử. Nghìn năm lịch sử ấy vẫn vang vọng đến hôm nay. Đó là  âm hưởng vang vọng từ làng quê, bến nước, mỗi con đò, mỗi bờ ao... Nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất là lịch sử nằm ở tâm hồn người Việt.

Phục trang, hình ảnh làng quê Việt Nam, con người và nhà cửa cách nói của nhân vật trong phim đã được xây dựng rất thuần Việt, trong khi nhiều bộ phim lịch sử khác bị đánh giá là "ngoại lai". Vậy  ông cho biết đoàn làm phim đã làm thế nào để đạt được điều đó?

Đạo diễn Lưu Trong Ninh: Chúng tôi đã chuẩn bị trước 2 năm. Có hai  thứ cơ bản giữa Việt Nam và Trung Quốc khác xa nhau đó là kiến trúc và phục trang. Trước hết là kiến trúc phụ thuộc vào triết học mỗi vùng, người Trung Hoa lấy sông Hoàng làm chủ đạo còn người Việt lấy sông Hồng, do vậy mầu sắc đã khác nhau. Thứ hai, vì khí hậu ôn đới khô, lạnh nên nhà cửa ở Trung Quốc vừa cao vừa kín để chống lạnh, tuyết rơi, còn  ở Việt Nam thì nóng ẩm do vậy nhà thường thấp và mở để đón gió.

Do vậy phục trang cũng khác nhau về màu sắc, kiểu dáng.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh

Nhưng cái theo tôi là khác biệt lớn nhất đó là khoảng cách tâm hồn. Người Trung Hoa lấy nhân quả làm triết học, còn người Việt lấy nhân nghĩa làm nền tảng con người. Đó chính là yếu tố quyết định nên cốt truyện, phong cách thể hiện của bộ phim này.

Bộ phim có  bối cảnh là kinh đô Tràng An xưa tại Hoa Lư-Ninh Bình, ngày nay đã không còn giữ lại được dấu tích. Vậy ông đã dựa trên cơ sở để nào xây dựng hình ảnh cố đô 1000 năm trước?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Cố đô chỉ trong tưởng tượng song có hình hài rất thật. Toàn bộ các cảnh quay trong phim đều là cảnh thật. Đó là chùa Keo, chùa Non Nước. Tôi chỉ ghép nó lại thôi chứ thực tế giờ không còn nơi nào giữ được toàn cảnh đầy đủ về làng quê Việt xưa nữa.

Tuy nhiên, cố đô vẫn còn đó ở những bãi lúa, bờ tre, giếng nước, bến sông, mái ngói, bờ cong của mái đình, những cột gỗ, những bậc thềm đá (nó còn nguyên vì được dựng lại cách đây trên dưới 100 năm). Khi đưa những hình ảnh ấy vào phim tôi thấy hài lòng vì cây đa, bến nước con đò thì 1000 năm trước hay sau nó vẫn như vậy trong tâm tưởng người Việt.

Chỉ có điều, sự thực lịch sử và sự thực trong điện ảnh khác hẳn nhau. Chẳng hạn như chi tiết ngày xưa  phụ nữ nhuộm răng đen, mặc yếm, đi chân đất.... nếu tôi đưa nguyên sự thực ấy vào phim chưa chắc được người xem tán thưởng vì quan điểm về cái đẹp hiện đại đã khác.

Chân thực là một trong những yếu tố quan trọng mà một bộ phim lịch sử phải hướng tới. Nhưng chân thực (tả thực)quá thì đôi khi lại không phải là một cách hay để gửi gắm thông điệp về niềm tự hào của chúng ta về cha ông mình.

Xin trân trọng cảm ơn đạo diễn!

Nguyệt Hà