Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thời gian qua không ít bạn trẻ sử dụng mạng xã hội như một cách tự khẳng định mình và gây sự chú ý, điều đáng nói những hiện tượng này không còn đơn giản chỉ ảnh hưởng trong cộng đồng mạng mà ít nhiều có tác động đến đời sống xã hội.
Một trong những “sự kiện” ầm ĩ hơn cả là thời gian gần đây, một cô gái tự xưng là “bà Tưng” xuất hiện cùng clip với hình ảnh, âm thanh huyên náo hoặc cách đề cập vấn đề giới tính theo kiểu hở hang, sống sượng, không phù hợp với văn hoá truyền thống vốn trọng sự nền nã, nhẹ nhàng, kín đáo, nhưng lại được cư dân mạng chia sẻ với tốc độ "tên lửa", thu hút hàng nghìn người “like”, hàng nghìn người đăng ký theo dõi qua mạng xã hội. Kéo theo sau đó là một loạt clip ăn theo với nội dung, hình ảnh khoe thân tương tự.
Như vậy, nếu chỉ với mục đích trở thành người nổi tiếng "dù tai tiếng”, có lẽ cô gái nọ đã thành công khi được truyền thông nhắc đến nhiều, thậm chí đến mức nếu có ai đó hỏi rằng “bà Tưng” là ai, người đó chắc chắn bị coi là… tụt hậu?
Không chỉ vậy, sau mỗi “sự kiện” nóng được dư luận quan tâm, trên mạng xã hội lại tràn lan rất nhiều fanpage (trang người hâm mộ) biến tướng, kiểu như “Hội những người thần tượng anh Luyện”, “1000 like ủng hộ sự ra đi của ca sỹ Wanbi Tuấn Anh” hoặc “Hội những người chán cơm thích phở sành điệu”, “Hội những người ghét môn sử và giáo viên dạy sử”, hoặc các fanpage do các fan cuồng của siêu mẫu, ca sĩ, diễn viên lập ra để hạ bệ đối phương...
Các fanpage biến tướng này đang từng ngày, từng giờ tác động xấu đến nhận thức, tâm lý, tình cảm của giới trẻ và gây bất bình trong dư luận xã hội. Những hiện tượng “phản giá trị” này dường như muốn cổ súy (một cách vô tình hoặc cố ý) cho lối sống, sinh hoạt không phù hợp với thuần phong mỹ tục, gây những bức xúc, lo lắng trong gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Chúng ta vẫn thường hay nói tới ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nhưng hiện nay chính những quan niệm, ý thức và cách thể hiện của các bạn trẻ phải chăng đang làm “ô nhiễm” trầm trọng không khí trong lành của xã hội.
Những biến tướng từ các hiện tượng trên mạng xã hội không đơn giản chỉ là hoạt động trong cộng đồng mạng mà nó đã trở thành hiện tượng xã hội lệch chuẩn giá trị văn hoá ở một bộ phận giới trẻ.
Trong xã hội hiện đại, con người có thể có nhiều hướng tiếp cận giá trị và có thêm nhiều giá trị để có thể lựa chọn. Nói cách khác, xã hội đã tạo ra cơ hội để mọi người trau dồi, khẳng định các giá trị của bản thân mình. Tuy nhiên, sự xuất hiện một số kiểu hành vi, một số xu hướng tư tưởng đi ngược lại với những giá trị truyền thống vốn có như trên của một bộ phận giới trẻ đã làm dấy lên những lo ngại.
Không thể phủ nhận những tính năng vượt trội và lợi ích mà mạng xã hội mang lại trong việc kết nối bạn bè, chia sẻ và trao đổi thông tin. Mỗi người sử dụng theo một mục đích khác nhau, từ trao đổi thông tin, tán gẫu, đến đăng tải hoạt động của bản thân, gia đình, bè bạn. Nhưng cũng có thực tế là rất nhiều bạn trẻ thú nhận rằng, lướt Facebook hiện tại như một cái gì đó gây “nghiện”, là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ.
Đáng lo ngại hơn là có bạn trẻ đã thể hiện sự xuống cấp văn hóa của bản thân mình khi tham gia mạng xã hội này.
Điều đó biểu hiện rất rõ ở những trường hợp ứng xử với bạn bè xung quanh mình. Chẳng hạn, chỉ cần không ưa nhau, có bạn trẻ coi môi trường ảo trên mạng là một kênh để chĩa mũi nhọn, thậm chí công khai danh tính và hướng dư luận công kích người mà mình có mâu thuẫn, thậm chí chỉ vì không thích người đó mà thôi!
Vụ nữ sinh ở Đà Nẵng nghĩ quẩn, tự tử vì bị xúc phạm trên Facebook nhưng may mắn giữ được mạng sống, một nữ sinh ở Hà Nội uống thuốc chuột tự tử vì bị nói xấu trên Facebook… có thể coi là lời cảnh báo nghiêm khắc về khía cạnh đạo đức, cách ứng xử thiếu văn hóa trong cộng đồng đối với các bạn trẻ khi sử dụng mạng xã hội với mục đích không đúng cách.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, PGS. TS Tâm lý Nguyễn Hồi Loan cho rằng khác với thế hệ trước, thế hệ trẻ hiện nay có khả năng, phương tiện, điều kiện để tiếp thu nhanh các luồng thông tin đa dạng từ các cộng đồng và nền văn hóa khác nhau, trong đó có cả những thông tin, sự kiện, vấn đề không phù hợp với chuẩn mực chung của cộng đồng, xã hội, do tiếp thu không chọn lọc đã dẫn đến những hiện tượng lệch chuẩn.
Theo PGS. TS Nguyễn Hồi Loan, hiện tượng lệch chuẩn giá trị văn hoá này không phải là hiện tượng một sớm một chiều xuất hiện, mà nó là cả một quá trình xã hội hoá của con người vào xã hội. Nếu cứ để tình trạng trên tiếp diễn, theo quy luật tâm lý, những hiện tượng lệch chuẩn này rất dễ lây lan. Tuy nhiên, biện pháp để hóa giải sự lệch chuẩn này chắc chắn cũng không thể áp dụng bằng cách cấm đoán.
Đã đến lúc các nhà giáo dục, các nhà nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu tâm lý, các nhà xã hội học, giới truyền thông… cần lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề này.
Huy Anh