Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại Diễn đàn, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP cho biết, trong bối cảnh tình hình chính trị quốc tế bất ổn, gia tăng và tác tác động mạnh của biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam vẫn xây dựng được những kế hoạch, Chiến lược cụ thể để vượt qua thời kỳ đầy thách thức... Việt Nam cũng nỗ lực tăng cường khả năng tận dụng cơ hội đang đến, cùng việc lấy sức mạnh kinh tế, tiến bộ công nghệ và khả năng thích ứng với BĐKH làm trọng tâm.
Thời gian tới, Việt Nam cần khai thác được những khía cạnh mới về kinh tế cùng các chuẩn môi trường thương mại mới để nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu; cải thiện mức độ sẵn sàng trong Chuyển đổi xanh của DN, giúp tận dụng các tiêu chuẩn môi trường trong thương mại toàn cầu, nâng cao hiệu quả, thúc đẩy tiến bộ công nghệ, nhằm củng cố hiệu suất kinh tế dài hạn của Việt Nam.
Có cùng quan điểm, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết: Kinh tế thế giới hiện nay đang có sự chuyển đổi đan xen giữa tự do hóa và bảo hộ, giữa đa phương và song phương, nhất là trong bối cảnh địa chính trị có những diễn biến khó lường.
Cùng với đó, đổi mới sáng tạo, tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường đang trở thành xu hướng tất yếu đối với sự phát triển toàn cầu. Trước bối cảnh này, các quốc gia, trong đó có Việt Nam luôn chú trọng điều chỉnh chiến lược và chính sách nhằm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế xuất khẩu, khai thác tốt lợi thế thương mại và các dòng vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, 2024 là năm khó khăn với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị thế giới biến động khó lượng, thiên tai trong và ngoài nước; khu vực kinh tế trong nước vẫn chưa mạnh để hướng ra thị trường quốc tế; cơ cấu chuyển dịch theo hướng hiện đại nhưng chậm hơn so với mong muốn...
Do đó, giai đoạn 2024 - 2025 là thời gian rất quan trọng, bước vào năm bản lề kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021- 2025.
Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025, ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Phân tích và Dự báo kinh tế của CIEM cho rằng: Năm 2025, địa chính trị trên thế giới có sự bất ổn, nhiều diễn biến khó lường tuy nhiên tăng trưởng kinh tế toàn cầu được đánh giá sẽ khởi sắc nhờ phục hồi của tăng trưởng thương mại và kiểm soát lạm phát tốt hơn.
Khu vực DN sẽ khởi sắc vì các đơn hàng trong năm 2024 tốt hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh các DN sẽ tốt hơn.
Về thu hút các nguồn lực từ FDI, ông Nguyễn Hữu Thọ nhận định xu hướng dòng chảy FDI đổ về ASEAN, châu Á sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2025. Như vậy FDI sẽ tiếp tục là điểm sáng. Tuy nhiên hiện nay phạm vi tác động của FDI chưa đồng đều, chủ yếu tập trung vào 14 tỉnh thành như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… (chiếm 74% tổng FDI trên cả nước); tác động của FDI đối với tăng trưởng ở mức thấp, nguyên nhân là do hoạt động của FDI chủ yếu là nhập khẩu, sản xuất gia công ở Việt Nam để xuất khẩu.
Về thị trường xuất khẩu, năm 2025 được dự báo tiếp tục tăng trưởng khá như năm nay. Tuy nhiên nếu diễn biến địa chính trị thế giới không ổn định có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu cũng như nhập khẩu vì tăng chi phí vận tải đường biển, phòng vệ thương mại.
Thị trường trong nước năm 2025 được nhận định không có nhiều biến động về sức mua trong nước vì thu nhập của người Việt Nam chưa có đột phá...
Ngoài ra, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, cải cách thể chế,... tiếp tục được nhận định sẽ là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025. Trong bối cảnh đó, các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát Việt Nam năm 2025 sẽ được kiểm soát tốt, tăng trưởng GDP ngang bằng hoặc cao hơn từ 0,2 - 0,4% so với năm 2024.
Kiến nghị một số giải pháp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025, đại diện CIEM cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng với trọng tâm là cắt bỏ những điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính. Đồng thời, cần định vị lại mục tiêu đến năm 2030 - 2040 để hoàn thiện thể chế một cách tốt nhất, hạn chế việc phải sửa đổi nhiều lần. Ngoài ra, cần có thêm các chính sách hỗ trợ cho người dân, DN.
Về mức độ sẵn sàng trong chuyển đổi xanh của DN Việt Nam, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho rằng, tỷ lệ các DN chưa có sự chuẩn bị cho công cuộc này vẫn chiếm đa số (64%)... Lý giải về việc này, bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho rằng: Các DN hầu như vẫn gặp vướng mắc trong việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể, phù hợp; chưa có nhân sự chuyên môn về giảm phát thải chuyển đổi xanh; chưa xây dựng được chiến lược giảm phát thải và quan trọng hơn đó là chưa có nguồn vốn để thực hiện giảm phát thải…
Các DN cần sự hỗ trợ trong việc giảm chi phí thực hiện chuyển đổi xanh qua các cơ chế ưu đãi thuế và tín dụng ban đầu hoặc các hình thức hỗ trợ, kết nối thị trường, chuyển giao các công nghệ, mô hình... Cần sớm ban hành các khung pháp lý mới nền tảng cho chuyển đổi xanh bao gồm: Tín dụng xanh, thị trường carbon bắt buộc và tự nguyện, tiêu chuẩn phân loại,…
"Đồng thời, cần thúc đẩy năng lực DN và các bên liên quan trong việc định kỳ thực hiện các chương trình phổ biến chính sách cho DN, địa phương, cũng như triển khai các chương trình khuyến khích, hình thành các giải pháp, sáng kiến gần với mục tiêu phát triển thị trường sản phẩm xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...", đại diện Ban IV nói.
Anh Minh