Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Các nguồn vốn này được cho vay theo mô hình lồng ghép tổ, nhóm phụ nữ vay tín dụng tiết kiệm sinh hoạt định kỳ. Cùng với đó, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện còn tích cực khai thác các nguồn vốn nội lực như: Giúp cây, con giống, ngày công lao động và thông qua phong trào “giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” các hội viên đã cùng đóng góp trên 18 chỉ vàng/195 tổ, nhóm… Mỗi hội viên khi được vay vốn còn được các cấp Hội hướng dẫn sử dụng vào việc phát triển kinh tế gia đình. Với các hội viên nghèo tham gia gửi tiết kiệm tại các tổ nhóm khi có nhu cầu cần vay vốn phát triển kinh tế sẽ được các cấp Hội tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn không tính lãi. Nhờ vậy, trong số 66,7% hộ nghèo được Hội giúp đã thoát nghèo 32,61%, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện. Nhiều chị em có thu nhập hàng năm từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng như: Chị Lành (xã Đak Krong), chị Nguyệt (Kdang), chị Ngân (Nam Yang), chị Jăk (A Dơk)…
Điển hình cho phong trào này có chi hội xã Glar, với hơn 1.833 hội viên, chủ yếu là hội viên dân tộc Bahnar sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp và nghề phụ dệt thổ cẩm. Những năm qua, chi hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giải ngân gần 6 tỷ đồng giúp cho 532 hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, Hội còn giới thiệu 820 hội viên vào làm việc tại Hợp tác xã Dệt thổ cẩm, Nông trường Cao Su Hòa Bình giúp chị em tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Hiện nay gần 80% gia đình hội viên trong xã có việc làm và thu nhập ổn định, nhiều gia đình hội viên có thu nhập từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng/năm…
Cùng với việc huy động, khai thác các nguồn vốn, các cấp Hội còn triển khai xuống 205 chi, tổ hội thực hiện các phong trào: Ống tiền tiết kiệm, hũ gạo tiết kiệm, tấm áo tình thương, mái ấm tình thương… đồng thời chủ động khai thác các nguồn lực sẵn có ở địa phương để hỗ trợ hội viên khó khăn, hội viên nghèo góp phần tích cực trong việc thúc đẩy các hoạt động Hội đạt hiệu quả. Ngoài ra, các cấp Hội còn chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện tổ chức mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thu hút đông đảo hội viên tham gia. Chị Võ Thị Vân-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đak Đoa, cho biết: Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục duy trì và vận động hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt tại Hợp tác xã Nông nghiệp-Dệt thổ cẩm xã Glar với 250 thành viên, vì đây là nơi thu hút và tạo việc làm có hiệu quả cho hàng trăm phụ nữ vào những lúc nông nhàn ở các xã lân cận như: Glar, A Dơk, Hnol.
Phương Dung – Báo Gia Lai