Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo thông tin từ buổi họp báo, trong công tác kiểm soát chi vốn đầu tư, tính đến ngày 30/6/2023, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công năm 2023 kiểm soát qua KBNN là 214.314,2 tỷ đồng, bằng 29,9% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn 2023 Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN.
Lũy kế thanh toán vốn đầu tư công kiểm soát qua KBNN thuộc kế hoạch năm 2023 là 203.442 tỷ đồng, bằng 30,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN (kế hoạch là 665.236,9 tỷ đồng).
Theo ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (KBNN), tiến độ giải ngân vốn đầu tư công khởi sắc. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2022, số giải ngân nguồn vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2023 tăng 60.090 tỷ đồng về giá trị; tăng 3,3% về tỉ lệ so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN.
Đại diện KBNN cho biết, để có được kết quả này, ngay từ đầu năm, KBNN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
KBNN cũng đã ban hành chỉ thị yêu cầu KBNN các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm soát chi, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán của hệ thống KBNN.
Cùng với đó, phối hợp với Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) tổ chức Hội nghị toàn quốc về quản lý tài chính đầu tư công để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, cập nhật chế độ, chính sách trong quản lý tài chính đầu tư công.
Thông qua Hội nghị, KBNN đã ghi nhận, tổng hợp các khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Ông Trần Mạnh Hà cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, KBNN đã chỉ đạo các đơn vị nâng cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm chỉnh chấp hành nhiệm vụ kiểm soát chi.
Cụ thể, các đơn vị phải giải quyết ngay hồ sơ, không để tồn đọng. Đặc biệt, KBNN các địa phương đã hỗ trợ chủ đầu tư tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Theo thống kế, trung bình mỗi ngày có khoảng 150.000 chứng từ được xử lý trên hệ thống, những ngày cuối năm số chứng từ có thể lên đến 350.000-400.000 chứng từ.
"Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN thời gian qua đã xử lý nhiều chứng từ nhất trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ. Thông qua dịch vụ công, thời gian tiếp nhận xử lý hồ sơ, chứng từ được thể hiện cụ thể, rõ ràng và các chủ đầu tư có thể theo dõi.
Quá trình giải ngân cũng được thực hiện một cách công khai, minh bạch. Qua đó, góp phần đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công", ông Trần Mạnh Hà nói.
Về công tác phối hợp thu ngân sách Nhà nước (NSNN), bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Cục trưởng Cục Kế toán Nhà nước (KBNN) cho biết, thời gian qua, hệ thống thanh toán KBNN được duy trì vận hành tương đối ổn định, hỗ trợ cho công tác thu NSNN.
KBNN đã phối hợp với các ngân hàng, trung gian thanh toán và đơn vị vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia để bảo đảm thu đủ và kịp thời các khoản thu NSNN.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hiền cho biết, công tác phối hợp thu giữa các đơn vị còn khó khăn, trong đó có việc triển khai trung gian thanh toán thu phí, lệ phí qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, do cơ quan quản lý thu chưa cung cấp đầy đủ thông tin. Hơn nữa, thông tin giữa cơ quan thu và các đơn vị KBNN chưa chính xác, dẫn đến mốt số khoản thu NSNN chưa kịp thời.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc KBNN nêu rõ, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban cán sự và Ban lãnh đạo Bộ Tài chính, KBNN đã phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan thu trong đó có cơ quan thuế, hải quan, với các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước… để hoàn thiện cơ chế quản lý thu NSNN.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết thêm: KBNN cũng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện quy trình về thu các khoản phí, lệ phí trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; nỗ lực đóng góp những nhiệm vụ liên quan để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân trong thực hiện thu phí và lệ phí trên Cổng Dịch vụ công.
KBNN cũng đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Tài chính để xây dựng, ban hành Thông tư 74/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính (quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính), trong đó đổi mới quy định về việc cơ quan thu phí có thể mở tài khoản tại KBNN, ngân hàng thương mại để thực hiện thu phí, lệ phí, tạo thuân lợi cho các tổ chức thu và người dân, doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ thuế, phí.
"KBNN cũng xác định rằng còn nhiều việc cần phải làm khi thực hiện phương thức thu chuyển từ phân tán sang tập trung, phối hợp thu với các cơ quan như thuế, hải quan và các cơ quan thu khác… để thực hiện quy trình thu NSNN thông thoáng nhất trên môi trường số", Phó Tổng Giám đốc KBNN nói.
Về hoạt động thanh tra, ông Đinh Mạnh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh tra Kiểm tra (KBNN) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, hệ thống KBNN đã tập trung kiểm tra những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, đối tượng đưa vào kế hoạch kiểm tra được theo dõi luân phiên thứ tự bảo đảm không bỏ sót đơn vị, kết hợp hài hòa giữa kiểm tra thường xuyên, kiểm tra chéo và kiểm tra đột xuất. Đồng thời triển khai hoạt động giám sát từ xa trên dịch vụ công trực tuyến, giám sát từ xa số dư quỹ tiền mặt tại các đơn vị KBNN.
KBNN cũng đã tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ để phòng ngừa rủi ro. Đồng thời, tập trung nghiên cứu Đề án Định hướng công tác thanh tra, kiểm tra KBNN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 làm cơ sở để cải cách, đổi mới đồng bộ, toàn diện hoạt động thanh tra, kiểm tra của hệ thống KBNN.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, KBNN đã thực hiện 304 cuộc thanh tra, kiểm tra. Tổng số tiền vi phạm là 2,6 tỷ đồng; số tiền kiến nghị thu hồi là 604,88 triệu đồng; số tiền kiến nghị xử lý khác là hơn 2 tỷ đồng.
Thông qua công tác kiểm tra đã giúp cho các đơn vị KBNN thấy được những tồn tại, sai sót và có những biện pháp khắc phục kịp thời. Sau khi kết thúc các đợt kiểm tra, KBNN đều có văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh chung trong hệ thống.
Về điều hành ngân quỹ Nhà nước (NQNN), lãnh đạo KBNN cho hay cơ quan này đã điều hành NQNN bằng nội tệ và ngoại tệ tập trung trong toàn hệ thống, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của NSNN và các đơn vị có giao dịch với KBNN.
Triển khai có hiệu quả các nghiệp vụ sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi (cho NSNN tạm ứng/vay NQNN, gửi tiền có kỳ hạn tại NHTM và mua lại có kỳ hạn TPCP) theo đúng quy định và theo phương án đã được Bộ Tài chính phê duyệt.
Tổ chức dự báo luồng tiền và thực hiện quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý NQNN theo đúng quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2023, KBNN đã tổ chức điều hành, quản lý NQNN an toàn, minh bạch, hiệu quả và đã nộp vào ngân sách Trung ương 2.500 tỷ đồng từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ KBNN.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, KBNN đã báo cáo Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình quản lý, sử dụng NQNN, trong đó làm rõ cơ cấu nguồn hình thành NQNN theo tính chất sở hữu và tính chất biến động; nguyên tắc quản lý NQNN; việc sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi; đề xuất, kiến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính của Nhà nước nói chung và NQNN nói riêng.
Anh Minh