Khó khăn ở làng nghề: nghề truyền thống đang dần mai một
Nhiều nghề truyền thống nổi tiếng nhất của Đồng Nai đang rơi vào tình trạng khó khăn. Trong đó có không ít cơ sở phải thu hẹp sản xuất hoặc bỏ nghề vì không tính được bài toán đầu ra cho sản phẩm.
Được hình thành cách đây hơn 300 năm bởi sự giao thoa của các dòng gốm Việt, Chăm, Hoa trên vùng đất Đồng Nai xưa, đã có một thời gốm Biên Hòa phát triển cực thịnh. Nhất là giai đoạn 1995-1999, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của các cơ sở gốm đạt khoảng 30%, các doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn đạt trên 40%, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn này là 26,1%. Sự kết hợp tinh tế và hài hòa giữa Đông và Tây, giữa truyền thống và hiện đại của gốm Biên Hòa được thị trường ưa chuộng, tiếng tăm vươn tới những vùng đất xa xôi khác trên thế giới.
Nghề mây tre đan ở Đồng Nai (ảnh: Khuyến công)
Tuy nhiên do việc quy hoạch kéo dài, nhất là việc xây dựng Cụm gốm sứ Tân Hạnh quá chậm khiến ngành gốm mỹ nghệ Biên Hòa đã không thể phát huy thành quả của thời kỳ hoàng kim. Thêm vào đó khó khăn chung do lạm phát kéo dài khiến ngành gốm Đồng Nai rơi vào tình trạng lao đao. Theo Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, năm 2010 doanh thu của một số cơ sở gốm đã giảm đến 70% so với năm 2000, số lượng lao động nghề gốm giảm 1/3, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng để giữ thợ và số lượng cơ sở, doanh nghiệp thực sự còn hoạt động chỉ còn khoảng chưa đến 30%. Con số khiến cho những ai tâm huyết với gốm Biên Hòa không khỏi chạnh lòng.
Không chỉ gốm mỹ nghệ Biên Hòa, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Châu Mạ ở ấp 4 xã Tà Lài, huyện Tân Phú - một trong những ngành nghề truyền thống đang được tỉnh Đồng Nai bảo tồn và giữ gìn cũng đang đứng trước sự mai một. Nguyên nhân là vòng quay thị trường đang giết dần mòn những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Nét độc đáo của Gốm Biên Hòa xưa
“Thị trường thời mở cửa, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không ít. Nghề dệt thổ cẩm bị chao đảo do chất lượng và mẫu mã không thể cạnh tranh được với các sản phẩm dệt may khác trên thị trường. Hơn nữa một số công đoạn như xe sợi, nhuộm màu...thủ công đã được thay thế bằng việc sử dụng các nguyên vật liệu có sẵn, do đó nhiều sản phẩm chất lượng kém, dùng đến 2-3 lần đã có hiện tượng xù vải, bạc màu... hàng hóa làm ra khó tiêu thụ, đời sống người lao động làng nghề rất khó khăn. Sản phẩm dệt thổ cẩm đang mất dần chỗ đứng ngay tại địa phương, bản thân người dân tộc cũng đang dần chuyển sang sử dụng các sản phẩm dệt may công nghiệp” – ông Nguyễn Hữu Kỳ, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Phú cho biết.
Dệt thổ cẩm Khó khăn tại các làng nghề truyền thống hiện nay do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan tuy nhiên có thể gộp chung lại vì thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, nhân công, thị trường eo hẹp, … khiến những người có tâm huyết với nghề cũng khó trụ lại. Những cơ sở nhỏ hoặc là bỏ nghề đi làm việc khác hoặc sống lay lắt chờ quy hoạch của địa phương.
Khảo sát thực tế của xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, nơi có nghề đúc gang nổi tiếng cho thấy nguồn nhân lực này đã có những biến động đáng kể. Hiện nay ấp 2 có khoảng 100 người, cả thợ và nghệ nhân tham gia đúc gang giảm hơn 1/3 so với năm 2006. Làng nghề hiện có khoảng chục nghệ nhân với thâm niên hoạt động nghề từ 30-40 năm. Đây là đội ngũ tâm huyết với nghề đúc và đóng vai trò quan trọng với sự tồn tại và phát triển của làng nghề nhưng các nghệ nhân ngày càng lớn tuổi và đang đứng trước thực trạng không biết truyền nghề cho ai vì sản phẩm đầu ra bấp bênh, thu nhập không cao nên lớp trẻ không yêu nghề.
Sản phẩm làng nghề truyền thống của Đồng Nai trưng bày tại hội chợ triển lãm
Ông Hồ Sơn Tư - Giám đốc Công ty TNHH TM – DV & SX Hồ Sơn Tư chuyên về sản xuất kinh doanh mặt hàng gỗ mỹ nghệ trên địa bàn huyện Xuân Lộc cho rằng: "cùng với việc mạng lưới chế biến gỗ trên toàn quốc chưa có sự thống nhất để sử dụng nguồn nguyên liệu vốn đang rất khan hiếm thì công nghệ chế biến hiện nay cũng còn thô sơ và mang nặng tính thủ công. Các doanh nghiệp chế biến gỗ chỉ mới dừng lại ở việc gia công nguyên liệu là chính. Phần lớn dây chuyền thiết bị, máy móc vẫn ở mức trung bình và lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng lớn và khách hàng đòi hỏi chất lượng cao. Các doanh nghiệp chế biến gỗ chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, yếu về năng lực quản lý, thiếu nhân công kỹ thuật, thiếu vốn. Những yếu tố này khiến giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ Việt Nam đạt mức thấp và làm giảm tính cạnh tranh về giá thành".
N. Thương