Khoa học công nghệ về TN&MT: Tìm thấy ba dạng thiên thạch tectit mới ở Việt Nam
Thiên thạch Tectit. Ảnh minh họa
Tectit, tức thiên thạch thủy tinh, đã được phát hiện ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam, với kích thước và hình dạng khá phong phú, chủ yếu là màu đen. Tại Hội thảo khoa học địa chất khoáng sản mới đây do Cục ĐC&KSVN, Viện KHĐC&KS, Vụ KH&CN (Bộ TN&MT), Tổng hội địa chất VN phối hợp tổ chức, các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu Địa chất đá quý, Bảo tàng địa chất đã công bố thông tin về ba dạng tectit mới được phát hiện ở nước ta có một số đặc điểm khác lạ.
Các thiên thạch dạng đá hay thủy tinh khi bay vào tầng khí quyển của trái đất chịu sự ma sát với không khí, bị nung nóng và bốc cháy trước khi chạm mặt đất và chỉ những mẫu lớn mới không bị cháy hết. Phần còn lại sau khi cháy, một số có thể bị nổ văng ra thành nhiều viên nhỏ, rồi rơi xuống mặt đất, mặt nước hay đầm lầy. Tại mỗi địa điểm tiếp xúc, chúng có một kiểu định hình riêng. Nhưng tất cả quá trình cháy nổ, vặn xoắn, để cho viên tectit những "vết thương" đầy mình. Và đó chính là những đường nét chạm trổ rất điển hình cho loại thiên thạch thủy tinh: tectit.
Theo những văn liệu đã công bố, tectit ở Nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Thái Lan và Australia thuộc trường phân bố tectit Á - Australia, đều có đặc trưng chung là màu đen. Kích thức chủ yếu từ vài milimet đến trên dưới 10mm. Hình dạng phổ biến là hình đĩa, hình cầu, hình chày, hình vỏ cây và các biến thể của chúng.
Trong quá trình nghiên cứu điều tra cơ bản về địa chất trên lãnh thổ VN, các nhà địa chất trong và ngoài nước đã tìm thấy tectit ở nhiều nơi, như Yên Bái, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Thuận, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông, Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh...
Năm 2009, khi nghiên cứu các sản phẩm aluvi đãi được trên các sông suối tỉnh Yên Bái, kỹ thuật viên Nguyễn Hưng Long của Trung tâm Nghiên cứu địa chất đá quý đã phát hiện được ba viên đá lạ mà các nhà khoa học giám định là tectit, trong đó có một viên dạng sạn có màu xanh nhạt và hai viên có màu đen, nâu đen.
Viên tectit màu đen hình chày hơi bị vặn vẹo ở khúc giữa, có bề mặt đen láng bong như bôi mỡ, ánh hơi phớt nâu, độ thấu quang cao hơn tectit Mường Nông Các đường rãnh khía rất mờ chạy ở phần đỉnh chop lớn uốn lượn rất đẹp.
Viên thứ hai có dạng hạt sỏi gần như chop nón dị dạng, màu nâu đen. Bề mặt mẫu cũng láng bong nhưng các rãnh khía nhiều hơn và đều là những rãnh nông hẹp, mảnh và sắc nét. So với mẫu trên thì mẫu này ít bọt hơn nhưng độ thấu quang vẫn không khác nhau.
Viên thứ ba có màu xanh nhạt trông giống như một viên sạn nhỏ, hơi dẹp. Chất liệu của tectit là thủy tinh gần như trong suốt. Các "rãnh gió" mờ, ngắn, tuy rất nhỏ song thể hiện rất sắc nét, cũng là dấu hiệu chuẩn để nhận dạng và xác định tectit.
Các nhà khoa học cho rằng, những mẫu đã thu thập được chắc chắn không phải là sản phẩm do con nguời làm từ thủy tinh. Bởi lẽ chúng có những cấu trúc tinh vi và dấu hiệu đặc trưng của thiên thạch - tectit. Cả ba mẫu đều thể hiện tính chất "mini", từ rãnh khía đến vết lõm lòng chảo. Độ bóng bề mặt cao, chứng tỏ chúng bị mài mòn rất ít.
Ba mẫu tectit mới thu thập đều nằm trong aluvi sông suối hiện đại nhưng bề mặt nguyên thủy chưa bị chà xát và mài mòn nhiều chứng tỏ chúng có tuổi xuất hiện trong trầm tích rất trẻ. Điều này cho thấy tectit có nguồn gốc vũ trụ rơi xuống trái đất có thể trong hai, ba đợt chứ không chỉ có một đợt.
Ý nghĩa khoa học và kinh tế của ba dạng tectit mới này tuy không lớn nhưng nó gợi cho các nhà khoa học nhiều suy nghĩ. So với tectit của trường tectit A Á- Australia, tectit ở VN có vân chạm trổ cầu kỳ và đẹp hơn. Hiện nay, khách nước ngoài đã bắt đầu tìm mua tectit của VN để làm lưu niệm. Chúng ta hoàn toàn có thể đưa tectit VN vào dạng đá mỹ thuật. Vừa có ý nghĩa tâm linh "của trời rơi xuống" vừa là kỷ vật có tuổi hàng triệu năm của đất nước VN.
Tectit màu xanh lơ của VN cần tiếp tục tìm kiếm để thấy được những viên lớn có thể dùng làm ngọc quý và với nhiều công dụng khác nữa.
Bình Nguyên