Vào dịp kỷ niệm lần thứ 10 Ngày giải phóng miền Nam (30/4/1985), tôi nhận được một tập thư của bạn đọc do báo Sài Gòn Giải phóng chuyển đến. Có nhiều câu hỏi của bạn đọc nhưng có một vấn đề bạn đọc nêu lên có quan hệ đến tôi: Tại sao vào những giờ phút đầu tiên của Sài Gòn giải phóng lại có nhiều nhà báo viết với các tình tiết khác nhau. Bạn đọc nêu tên nhiều nhà báo nổi danh và thậm chí dường như có thẩm quyền trong việc đánh giá sự kiện. Còn tôi, một chiến sĩ làm phóng viên mặt trận được nhắc đến. Và qua báo Sài Gòn Giải phóng, tôi đã trả lời bạn đọc. Tôi viết mộc mạc, thưa với bạn đọc rằng có biết bao cán bộ, chiến sĩ đã có mặt trong giờ phút lịch sử ở Dinh Độc Lập hôm đó và chắc rằng sẽ có nhiều nhà báo. Tôi là một người lính có niềm vinh dự được chứng kiến và viết lại, ghi lại hình ảnh góc nhỏ của khoảnh khắc lịch sử đó mà tôi trực tiếp chứng kiến.
Và hôm nay, 36 năm sau đó lại trào dậy trong tôi những kỷ niệm của một thời mình đã sống cùng đồng đội.
Mùa xuân năm 1975, tôi đang là phóng viên quân sự. Ăn ở, sinh hoạt thì thuộc Tổng cục Chính trị nhưng tin tức, bài ảnh phát qua Hãng Thông tấn xã Việt Nam. Ra Tết, tôi được tin: Chuẩn bị đi mặt trận Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế.
Đã ba năm, kể từ năm 1972 là một sĩ quan được giao nhiệm vụ làm phóng viên quân sư, chuyện ra mặt trận không có gì là bất ngờ. Đây là mặt trận quen thuộc đối với tôi. Năm 1972, tôi đã lăn lộn nơi đây hàng mấy tháng trời với những ngày tháng chiến tranh ác liệt nhất. Nhắc đến Quảng Trị, tôi không thể nào quên kỷ niệm ở Thành cổ. Chính ngày 19/6, ngày kỷ niệm quân lực Việt Nam cộng hòa (quân đội Thiệu), những trận đánh dữ dội nhất đã xảy ra với mưu toan tái chiếm Thành cổ của quân ngụy. Súng phun lửa bắn trực tiếp vào từng ngách hào, từng hố cá nhân, nơi các chiến sĩ ta bám trụ. Đây là thời điểm nổi bật đức tính ngoan cường, quả cảm có một không hai của người chiến sĩ.
Đến nay, tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt lớp chiến sĩ đó. Tôi đã viết bài Dũng sĩ Thành Quảng Trị đăng trên báo Nhân dân và được Đài Tiếng nói Việt Nam đọc lại suốt gần tuần lễ. Các đồng nghiệp mới ra trường chúng tôi Nguyễn Khánh Toàn, Đức Thiện, Phí Văn Chiến, Mạnh Tuấn, Trung Đạo, Hải Chinh, Trần Đình Bá đều lăn lộn và viết không ít tin tức, bài vở từ mặt trận gửi về Hà Nội.
Ở mặt trận trên các chiến hào chúng tôi đã gặp những cán bộ chỉ huy cấp tiểu đoàn, trung đoàn còn trẻ măng, có người chưa đến tuổi 30, lớp chiến sĩ từ học sinh vừa tốt nghiệp lớp 7, lớp 10, trong số họ không ít người là sinh viên đại học. Họ hoạt bát và vui nhộn, ít nghĩ đến gia đình, cái "tôi", cái riêng tư của mình. Họ sung sức và thông minh trong đánh giặc. Có người mới được luyện tập vài ba chục ngày đã ra trận. Trong môi trường như thế, viết về người chiến sĩ không đến nỗi phải trăn trở, cân nhắc nhiều. Bản thân cuộc đời mỗi người lính là một câu chuyện hấp dẫn với địa phương. Lúc đó, lợi ích của mỗi con người gắn với vận mệnh của dân tộc.
Nhớ lại kỷ niệm mặt trận Quảng Trị và chúng tôi háo hức lên đường. Mà ai cũng nghĩ lần này lên đường sẽ được đi xa hơn, vào sâu hơn, có khi là được xem thành phố. Chúng tôi được Bộ Biên tập Thông tấn Việt Nam trao đổi và tiễn đưa. Đã từ lâu ở bộ phận quân sự làm việc, Thông tấn xã vẫn coi anh em phóng viên như người nhà, câu chuyện thân tình và cởi mở.
Những ngày đầu tháng 3, tin tức chiến thắng từ chiến trường Tây Nguyên và trận đánh giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột làm nức lòng hậu phương. Giữa tháng 3, chúng tôi rời Hà Nội lên đường. Tôi và Hoàng Thiểm được phân công cùng đi một mũi vào Quảng Trị. Chúng tôi vốn cùng một tổ học tập trong trường, hiểu nhau như anh em. Vào quân đội, tôi được phong quân hàm thiếu úy, Hoàng Thiểm chuẩn úy. Anh Thiểm lớn tuổi hơn nên trong công việc chúng tôi đều thảo luận với nhau tỉ mỉ từng vấn đề nhỏ như đi đâu, theo đơn vị nào? Phối hợp với các anh bên Thông tấn xã gửi tài liệu về Hà Nội như thế nào để bảo đảm nhanh nhất, an toàn nhất. Kinh nghiệm muôn thuở, đặc trưng nghề nghiệp là thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác. Viết rồi mà không đưa nhanh về tòa soạn để các ban biên tập khai thác, xử lý là coi như công toi. Cạnh tranh báo chí bây giờ cũng vậy thôi: làm sao để đưa thông tin đến bạn đọc nhanh nhất. Hơn 39 năm làm báo, tôi làm phóng viên thời sự, có biết bao nhiêu trường hợp dạy cho tôi trưởng thành. Cũng có cái may là học ở trường báo chí nên chúng tôi sớm "giác ngộ" và tâm huyết điều này.
 | Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ cùng đồng đội trong lực lượng thọc sâu QD2 đánh chiếm Dinh Độc Lập bắt Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫn ra đài phát thanh SG tuyên bố đầu hàng | |
Rạng sáng ngày 26/3/1975, chúng tôi cùng một tốp phóng viên TTXVN tiến vào Huế. Tôi nhớ như in suốt đêm 25 vượt sông Mỹ Chánh chạy bộ vào Huế, sau những ngày hành quân gian khổ chúng tôi thở không ra hơi. May mà anh Lâm Hồng Long, nhà nhiếp ảnh lớn tuổi nhất đoàn còn ít sâm củ chia cho chúng tôi mỗi người một lát mỏng để ngậm nên còn sức để vào Huế. Những giờ phút đầu tiên Huế giải phóng, ghi lại qua những tấm ảnh chúng tôi chụp được trên đường phố trong tiếng đạn, pháo nổ, giờ đây còn lưu lại như những tấm ảnh lịch sử. Tôi vẫn tự hào khi nhìn thấy tấm ảnh các cô du kích và bộ đội giương cao lá cờ giải phóng trên chiếc xe tiến vào Ngọ Môn. Sau gần 4-5 giờ hoạt động, theo quy định chúng tôi gặp nhau và cử người đưa tài liệu về Hà Nội. Xin cám ơn anh em lái xe ở TTXVN vì đã chạy xe suốt hai ngày đêm không nghỉ kịp đưa tài liệu về Hà Nội, phát bài và ảnh kịp thời cho các báo.
Sáng 29/3, chúng tôi đã có mặt ở Đà Nẵng. Tôi, anh Lâm Hồng Long và Hoàng Thiểm vượt đèo Hải Vân bằng xe hon- da 50. Dọc đường, thỉnh thoảng những loạt súng của tàn quân ngụy lại réo qua sườn núi. Chúng tôi vẫn bình tĩnh vì qua đài BBC, được biết từ ngày 23/3 thành phố Đà Nẵng đã trở nên hỗn loạn. Địch buộc phải bỏ kế hoạch co cụm ở Đà Nẵng và tranh nhau di tản. Buổi sáng 29/3 trời Đà Nẵng lất phất mưa, khi chúng tôi có mặt thì bộ binh và xe tăng Quân đoàn II cùng lực lượng vũ trang Quân khu 5 có mặt ở thành phố, chiếm giữ sân bay Đà Nẵng.
Gần một tháng sau đó, tôi và Hoàng Thiểm lại được lệnh chủ động tìm kiếm, liên hệ với Quân đoàn II tiến về Sài Gòn. Những phóng viên mặt trận chúng tôi luôn luôn được cán bộ, chiến sĩ ưu ái, giúp đỡ. Chiều 28/4 chúng tôi tìm được sở chỉ huy cánh quân hướng Đông - Bắc. Trung tướng Phạm Hồng Cư, lúc đó là Cục trưởng Văn hóa, đặc trách công tác chính trị chỉ dẫn cho chúng tôi tìm cách liên hệ với Quân đoàn 2.
Buổi chiều 29/4, Thượng tướng Lê Khả Phiêu (nguyên Tổng bí thư) lúc đó là Cục trưởng chính trị Quân đoàn 2 cho chiến sĩ liên lạc đưa chúng tôi đến mũi tiến công của Sư đoàn 304 đang phối hợp với Lữ đoàn xe tăng 203.
Rạng sáng ngày 30/4, sau khi đã vượt căn cứ Nước Trong, chúng tôi theo xe tăng của Tiểu đoàn 1 Lữ đoàn 203 bắt đầu theo đường 15, vượt cầu xa lộ sông Đồng Nai đè bẹp các ổ đề kháng còn lại của quân ngụy ở Thủ Đức nhằm thẳng hướng nội thành mà tiến.
Chiến tranh đã qua nhưng cuộc tiến quân vào Sài Gòn 36 năm trước đối với chúng tôi giờ đây vẫn còn in đậm trong trí nhớ. Hàng trăm nghìn người dân trên tay cầm cờ giải phóng, ảnh Bác Hồ hò reo. Ngã ba Hàng Xanh bây giờ, lối rẽ về đường Hồng Thập Tự qua cầu Thị Nghè bà con đứng chật hai bên đường. Các chiến sĩ đặc công, biệt động với sắc quân phục riêng, nhảy lên xe tăng, xe bọc thép hòa vào đội hình tiến quân.
Mười một giờ 24 phút ngày 30/4, chúng tôi có mặt trước dinh Độc lập. Trong những giây phút lịch sử đầu tiên đó tôi đã ghi lại được những tấm hình lịch sử: Nội các ông Dương Văn Minh đầu hàng đang bước xuống bậc tam cấp theo sự quản lý của cán bộ, chiến Sĩ sư đoàn 304, Lữ đoàn 203. Hình ảnh Trung đoàn phó, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 Phạm Xuân Thệ uy nghi, cao lớn, nghiêm khắc mà rất khoan dung. Chân dung Đại đội trưởng Bùi Quang Thận từ xe tăng 843 nhảy lên tầng thượng của Dinh Độc lập treo lá cờ Tổ quốc được đặc tả, nụ cười chiến thắng reo vui trên khuôn mặt còn lấm lem khói đạn. Tôi đã ghi được lại cả những nhân chứng, sự kiện xe tăng 390 với sự có mặt của nữ nhà báo Pháp Phờ - răng - xoa Đơ - Muyn - Đơ trong những phút giây lịch sử đó.
Nhờ anh lái xe cảnh sát Võ Cự Long của chính quyền ngụy mà chúng tôi nhanh chóng đến Bộ Tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất. Ngay tại sân bây, tôi chụp ảnh nữ biệt động Nguyễn Trung Kiên (tức cô Nhíp) dẫn đầu chiếc xe tăng đánh chiếm Tân Sơn Nhất.
Buổi chiều hôm đó tôi quyết định dùng chiếc xe Zep tám máy và động viên Võ Cự Long hãy lập công cho cách mạng đưa tôi và anh Hoàng Thiểm về Đà Nẵng. Một mình Long lái xe suốt tối 30 đến rạng sáng 2/5 (trên đường chỉ nghỉ vào giờ) đưa chúng tôi về Đà Nẵng.
Ngay buổi trưa hôm đó, anh Thiểm theo máy bay, đưa tài liệu ra Hà Nội sớm nhất.
Đã 36 năm trôi qua, mỗi kỳ tích của chiến công của quân và dân cả nước ta đều thấm đẫm trong tâm trí chúng tôi. Hình ảnh những khoảnh khắc đầu tiên trong giờ phút lịch sử ngày 30/4/1975 như một minh chứng oai hùng của dân tộc trong cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất đất nước mãi không bao giờ phai nhạt.
Ngọc Đản