Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự án Nhà máy bia Hà Nội tại Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2004, tiếp đó Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu dựa trên cơ sở kết quả đấu thầu gói thầu EPC của dự án Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi do Tổng Tổng công ty Bia- Rượu - Nước giải khát Sài Gòn thực hiện để giảm chi phí, tăng hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Dự án nhà máy bia Hà Nội tại Vĩnh Phúc được xây dựng làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2005-2008: xây mới nhà máy bia công suất 100 triệu lít/năm. Giai đoạn 2: đầu tư bổ sung mở rộng đưa công suất llên 200 triệu lít/năm và sẽ được thực hiện sau năm 2010.
Tổng giám đốc Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Hà Nội, Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Văn Việt cho biết: Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 1.518 tỷ đồng. Trong đó, chủ đầu tư đóng góp trên 70%, còn lại huy động từ các nguồn khác. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ đem lại tổng doanh thu hàng năm khoảng 1.400 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 1000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.
Phát biểu tại buổi lễ, liên danh nhà thầu Krones AG - Lilama Hà Nội cam kết sẽ thực hiện đúng tiến độ dự án, và đầu tư công nghệ tiên tiến nhất, thiết bị đồng bộ - hiện đại, kết hợp công nghệ truyền thống của bia Hà Nội với những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trên thế giới. Liên danh các nhà thầu sẽ nỗ lực thi công, cố gắng đến cuối năm 2007 hoặc trong quí I/2008 sẽ đưa nhà máy vào vận hành.
Trong tuyên bố chính thức cho phép khởi công xây dựng nhà máy, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải nhấn mạnh vai trò quan trọng của dự án trong quy hoạch phát triển ngành bia- rượu - nước giải khát Việt Nam. Mối quan hệ gắn bó giữa Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội và Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - một đơn vị đang chiếm thị phần chủ yếu trên thị trường bia, nước giải khát Việt Nam với thương hiệu và các nhãn hiệu tầm cỡ quốc tế, sự hợp tác giữa chính quyền địa phương với ngành công nghiệp vì sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Bộ trưởng chỉ đạo: Các nhà thầu và chủ đầu tư cần thực hiện Dự án hiệu quả, thiết thực, tránh đầu tư lãng phí, thất thoát, sớm đưa nhà máy vào hoạt động, theo định hướng tạo ra các sản phẩm có khả năng xuất khẩu mạnh./.
Việt Đông - Kim Tùng