Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trang trại bò sữa organic tiêu chuẩn châu Âu của Vinamilk tại Đà Lạt. |
Ngày 12/12/2016, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM và Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tổ chức chào bán cạnh tranh cổ phần của SCIC tại Vinamilk (mã chứng khoán VNM). Kết quả, 78.378.300 cổ phần tương ứng 5,4% vốn điều lệ (trong tổng số 9% vốn điều lệ cần bán đợt này) được bán cho 2 tổ chức nước ngoài với giá là 144.000 đồng/cổ phần, cao hơn giá đóng cửa cổ phiếu VNM tại ngày bán là 7,7%, với giá trị hơn 11.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đây là thương vụ lớn nhất thị trường chứng khoán Đông Nam Á trong năm 2016.
Sau đó 11 tháng, vào ngày 10/11 mới đây, SCIC đã hoàn tất 100% thương vụ bán vốn lần thứ 2 tại VNM khi bán thành công hơn 48 triệu cổ phần, tương ứng với 3,33% vốn điều lệ của VNM với giá trúng mua cổ phần là 186.000 đồng/cổ phần, tổng giá trị cổ phần trúng giá là gần 9.000 tỷ đồng.
Như vậy với hơn 20.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) thu được sau hai lần bán vốn (8,73% vốn điều lệ của VNM) trong vòng gần 1 năm qua tại VNM, SCIC đã đánh dấu việc khởi đầu cho quá trình bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp có quy mô lớn của Việt Nam trong những năm tới.
Trên thực tế trong nhiều năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã cổ phần hoá được trên 90% tổng số doanh nghiệp Nhà nước, nhưng Nhà nước vẫn nắm tới trên 90% tổng số vốn tại các doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc chỉ có khoảng gần 10% vốn của xã hội tham gia góp vốn, quản trị các doanh nghiệp này.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, càng thoái vốn nhanh hơn và hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ hoặc chi phối thì càng thúc đẩy được năng lực quản trị, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. “Nâng cao năng lực quản trị, sức sống của doanh nghiệp Nhà nước mới là cái đích đến cuối cùng của cổ phần hóa, bán vốn Nhà nước. Phải đẩy mạnh bán vốn, cổ phần hoá trong 5 năm tới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp có vốn Nhà nước sẽ thoái theo mệnh giá gần 19.800 tỷ đồng, tính theo giá sơ bộ niêm yết có thể mang lại gần 30.000 tỷ đồng về cho Nhà nước. Tính tới cuối tháng 11/2017, VNM là cái tên lớn nhất trên thị trường đã mang lại gần 9.000 tỷ đồng tiền vốn với giá bán cao hơn 7,7% so với giá niêm yết.
Với 406 lượt DNNN phải thoái vốn từ nay tới năm 2020 (theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg), tổng số vốn dự kiến thoái theo mệnh giá là khoảng 65.000 tỷ đồng với nhiều tên tuổi lớn như Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Ngoài danh sách này là các doanh nghiệp đặc thù dự kiến sẽ phải bán bớt vốn Nhà nước trong thời gian tới như Tổng Công ty Bia, rượu và nước giải khát Hà Nội và thực hiện bán vốn trong năm nay là Tổng Công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn, được đánh giá là có giá trị rất lớn.
Bài học cho các đợt bán vốn tiếp theo
Nhưng yêu cầu đặt ra đối với đại diện vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp này hay cũng là của bộ chủ quản và cả Chính phủ là không được làm thất thoát vốn Nhà nước. Đồng thời phải làm gia tăng ở mức cao nhất đồng vốn của Nhà nước, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác cổ phần hoá, bán vốn. Nhìn từ câu chuyện mà SCIC làm ở VNM trong hai lần qua sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp, cơ quan chủ quản thực hiện tốt hơn việc bán vốn.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi cho biết: “Trong cả hai lần thực hiện bán vốn tại VNM, chúng tôi đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Chính phủ. Chúng tôi liên tục cập nhật tình hình và báo cáo kịp thời tới Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về diễn biến thị trường và các vướng mắc vượt quá quyền hạn của SCIC để có chỉ đạo kịp thời”.
Theo bà Nguyễn Ngọc Anh, đại diện đơn vị tư vấn cho đợt thoái vốn lần hai của SCIC tại VNM, lãnh đạo Chính phủ đã cập nhật kịp thời tình hình, chỉ đạo cho phép SCIC một số quy chế đặc biệt như cho phép nhà đầu tư có thể đặt cọc bằng cả USD, thay vì chỉ có VND và có thể nhận lại tiền cọc nếu không tham gia đợt chào bán cạnh tranh. Bên cạnh đó, bên bán cũng minh bạch các thông tin doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa để các nhà đầu tư tiếp cận.
Bên cạnh đó, quy trình bán vốn tại SCIC được triển khai chặt chẽ, công khai, minh bạch theo các bước như sau: Thuê công ty tư vấn (công ty chứng khoán) xác định giá khởi điểm bán cổ phần của Nhà nước để tham khảo; các bộ phận, chức năng của SCIC thẩm định, thống nhất đề xuất giá khởi điểm, thời điểm bán để tổng giám đốc quyết định bán đấu giá cổ phần; việc định giá khởi điểm được áp dụng nhiều phương pháp định giá để lựa chọn giá bán hợp lý; thực hiện quá trình công bố thông tin bán cổ phần, tổ chức bán cổ phần, công bố thông tin về kết quả bán cổ phần...
Ông Nguyễn Đức Chi tổng kết, thành công của thương vụ này đến từ chính việc Vinamilk luôn là một doanh nghiệp có kết quả kinh doanh hấp dẫn; SCIC đã có kinh nghiệm và tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư tham gia; mức giá đấu được tư vấn rất hợp lý và chọn được thời điểm rất thuận lợi của thị trường trong bán vốn.
Thành Chung