Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Được phát động từ năm 1995, Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam được tổ chức hằng năm, tập trung vào các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của nhà nước như: Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí và tự động hóa; công nghệ vật liệu; công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.
Trong 27 năm qua, Giải thưởng đã trở thành "sân chơi" quen thuộc với những người đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Với hơn 2.900 công trình tham dự giải và 983 công trình đoạt giải thưởng, nhiều sáng kiến, giải pháp, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đưa phong trào nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa.
GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu, Trưởng Ban Giám khảo lĩnh vực công nghệ vật liệu, Hội đồng Giám khảo giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam cho hay, việc hình thành một công trình có thể đáp ứng đầy đủ cả 4 tiêu chuẩn của Giải thưởng, đó là: Tính mới; tính sáng tạo; hiệu quả kinh tế-xã hội-kỹ thuật; khả năng áp dụng rộng rãi là điều không dễ dàng, đặc biệt là tiêu chuẩn "hiệu quả kinh tế-xã hội-kỹ thuật".
Một trong những công trình đoạt giải thưởng mà GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu ấn tượng nhất, đó là cụm công trình năm 2016 "Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu" của Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo.
Điểm nổi bật của cụm công trình này là đã thể hiện bước đột phá trong mô hình nghiên cứu theo quy trình khép kín bao gồm: Sáng chế, chế tạo, ứng dụng sản phẩm mới, công nghệ mới được tạo ra từ kết quả nghiên cứu và thực tiễn vào đời sống.
Là tác giả của cụm công trình, ông Hoàng Đức Thảo cũng vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ.
Ông Hoàng Đức Thảo cho hay, đến nay, cụm công trình đã được ứng dụng rộng rãi tại 53/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, gồm 36 sản phẩm, giải pháp, giúp giảm ít nhất 20% chi phí so với giải pháp truyền thống, tạo ra công nghệ mới đạt trình độ tiên tiến quốc tế và khu vực trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường nước, phòng chống thiên tai và ứng phó với biển đổi khí hậu-mực nước biển dâng.
Trong số đó, tiêu biểu là công nghệ bê tông thành mỏng cốt phi kim để xây dựng hệ thống kênh, mương nội đồng và chống xói lở kiến tạo bờ sông, hồ và đê biển.
Công nghệ bê tông cốt phi kim sử dụng thành phần cấp phối bê tông như cát, đá, nước trộn bê tông. Ngoài ra, điểm khác biệt là sử dụng xi măng bền sunfat, phụ gia chống bám dính ván khuôn, tác dụng đông kết nhanh cho bê tông, đặc biệt là sử dụng cốt sợi polyme phân tán PP (cốt sợi Polypropylen), hoặc cốt sợi thủy tinh dạng thanh Glass Fiber Reinforced Polyme (GFRP) để tạo ra các cấu kiện bê tông có cấu tạo kết cấu mỏng nhưng vẫn bảo đảm khả năng chịu lực.
Từ đó, chế tạo được các cấu kiện đúc sẵn có hình dáng phức tạp mà kết cấu bê tông cốt thép thông thường không thể thực hiện, kết cấu thành mỏng chỉ từ 1,5 cm, cường độ bê tông ≥ 25 MPa nhưng vẫn bảo đảm được khả năng chịu lực, tiết kiệm được nguồn nguyên vật liệu sản xuất bê tông, nhất là trong giai đoạn nguồn nguyên vật liệu cát, đá... khan hiếm, khai thác gây ô nhiễm môi trường.
Sản phẩm của công nghệ này giúp tăng tuổi thọ công trình so với các giải pháp truyền thống, bảo đảm bề mặt cấu kiện láng mịn để hạn chế được khả năng bám bề mặt của các sinh vật biển. Trong đó, cấu kiện kè lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển bao gồm các modul cấu kiện được liên kết với nhau theo chiều dài công trình.
Cấu kiện sẽ tự sắp xếp, tự ổn định, tự bồi lắng, biến đổi theo dòng chảy tạo ra hệ cân bằng để chống lại dòng xoáy, dòng chảy không ổn định tại các khu vực bị xâm thực mạnh, từ đó có thể gây bồi, tạo bãi theo các hình dạng và kích thước khác nhau.
Ông Hoàng Đức Thảo cho biết, đến nay giải pháp công nghệ bê tông cốt phi kim đã được ứng dụng rộng rãi và triển khai hiệu quả tại nhiều địa phương như TPHCM, Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thái Bình, Cà Mau....
Không chỉ ứng dụng vào kinh tế-xã hội, nhiều công trình đoạt giải thưởng tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc cũng được triển khai trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng.
Đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị chế áp phương tiện bay không người lái flycam" của nhóm tác giả đến từ Bộ môn tác chiến điện tử, khoa vô tuyến điện tử, Học viện Kỹ thuật quân sự, là một trong 5 giải pháp đoạt giải Nhất, được trao trong tháng 5 vừa qua, tại Hà Nội.
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Chủ nhiệm đề tài cho biết, từ năm 2013 nhóm đã bắt tay nghiên cứu thiết bị do nhận thấy nhiều mối đe dọa từ việc sử dụng máy bay flycam. Gần đây, các phương tiện bay không người lái, nhất là flycam ngày càng phổ biến được người dân sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, đem lại hiệu quả cao trên nhiều lĩnh vực song cũng chứa những mối nguy hiểm tiềm tàng. Theo quy định, loại thiết bị này muốn hoạt động thì phải được cấp phép.
Trước khi nghiên cứu sản phẩm này, các hãng nước ngoài cũng chào bán giới thiệu thiết bị với nhiều tính năng, nhưng lại bí mật về thông số kỹ thuật. Điều này gây khó khăn cho nhóm nghiên cứu do không có nguồn để tham khảo. Hơn nữa, bản thân máy bay flycam là công nghệ cao, để chế áp nó đòi hỏi phải có công nghệ tương đương hoặc mạnh hơn.
Các nhà khoa học đã phải mày mò, tìm hiểu, nghiên cứu từ đầu để đưa ra giải pháp công nghệ chế áp phương tiện bay không người lái flycam. Thời điểm nghiên cứu chậm hơn so với nước ngoài 1-2 năm nhưng thành quả đạt được tương đương với các sản phẩm của nước ngoài.
Đến năm 2018, nhóm nghiên cứu thành công. Thiết bị áp chế flycam lái-CA18 có khả năng chế áp, chặn flycam và các thiết bị không người lái khác bay vào khu vực cần bảo vệ; ép hạ cánh và thu giữ; chế áp flycam bay về vị trí xuất phát để bắt đối tượng điều khiển; tạo vùng cấm bay (vùng điện từ) xung quanh khu vực, mục tiêu bảo vệ. Trong một số trường hợp, thiết bị này có thể chế áp nhiều flycam cùng lúc.
Điểm nổi bật của sản phẩm so với các thiết bị nhập khẩu và chào hàng là đó là tạo vùng cấm bay nhân tạo xung quanh mục tiêu bảo vệ bằng cách giả lập tọa độ GPS nhằm đánh lừa thiết bị định vị và dẫn đường trên flycam.
Sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận "Thiết kế sản phẩm quốc phòng" của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, cho phép sản xuất hàng loạt.
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng cho biết, thiết bị đã tham gia bảo vệ các sự kiện, lễ hội quan trọng ở nhiều địa phương rất thành công. Giá sản phẩm của nhóm nghiên cứu khi được sản xuất hàng loạt sẽ chỉ bằng một nửa so với sản phẩm nhập khẩu nước ngoài.
TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) cho biết, 30 năm qua, Quỹ VIFOTEC với sứ mệnh là cơ quan thường trực đã hỗ trợ và tôn vinh các nhà sáng tạo, các nhà khoa học.
Trong đó, Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam được tổ chức hàng năm, bắt đầu từ năm 1995. 27 năm qua, có 2.914 công trình tham dự giải và 983 công trình đoạt giải thưởng. Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc đã trải qua 32 năm (1989-2021) với 16 lần tổ chức (2 năm/lần) và có 6.819 giải pháp dự thi, 988 giải pháp được trao giải.
Ngoài ra, từ năm 2004, Quỹ VIFOTEC đã chú trọng phát triển các tài năng khoa học trẻ tuổi nhằm mục đích đào tạo, nuôi dưỡng các nhà sáng chế tương lai. Qua 17 lần tổ chức, Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc đã có 8.422 đề tài dự thi và 1.531 đề tài đoạt giải.
Thông qua các hội thi, giải thưởng, đã phát hiện và bồi dưỡng được nhiều tài năng sáng tạo mới về khoa học công nghệ, tạo ra một phong trào quần chúng tiến quân vào khoa học công nghệ, góp phần phát huy trí tuệ, khai thác khả năng sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân. Không chỉ vậy, những chương trình này cũng đang ngày càng trở thành động lực để tăng cường thúc đẩy việc áp dụng nhanh các sáng kiến, sáng chế vào thực tiễn.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chế độ, chính sách nhằm phát triển khoa học công nghệ, đẩy mạnh việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ; góp phần hình thành và phát triển thị trường công nghệ.
Để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong công tác nghiên cứu khoa học phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội, thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; quan tâm, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để đội ngũ này phát huy tinh thần nghiên cứu.
Bên cạnh đó, cần đề xuất các giải pháp cụ thể để áp dụng nhanh các công trình khoa học công nghệ nói chung, nhất là các công trình, giải pháp đã đoạt giải thưởng vào đời sống, sản xuất; đồng thời tổ chức nhiều sân chơi khoa học bổ ích, tìm kiếm thêm nhiều phát minh, sáng kiến mới phục vụ các lĩnh vực của đời sống xã hội...
Hoàng Giang