• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Khơi dậy ý chí, bản lĩnh thanh niên: Điểm tựa từ lòng tin

(Chinhphu.vn) - Nguyện vọng thiết tha của thanh niên là được góp phần đưa dân tộc vươn lên cùng thế giới, cùng bè bạn năm châu, chính vì vậy, chúng ta phải tiếp tục khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu nước chất chứa trong lòng thế hệ thanh niên, mà quan trọng nhất là giành cho họ niềm tin.

23/04/2015 10:30
GS. TSKH Vũ Minh Giang. Ảnh: VGP/Phương Liên
GS.TSKH Vũ Minh Giang (Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) đã trao đổi với PV Báo điện tử Chính phủ câu chuyện về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ ngày hôm nay.

Tháng Thanh niên năm 2015 kết thúc bằng một thông tin đặc biệt quan trọng: Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015-2030. Như vậy, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng vai trò, vị trí của tuổi trẻ, xác định tuổi trẻ là lực lượng xung kích trên mọi mặt trận. Vậy thanh niên cần có những bản lĩnh gì để không phụ sự kỳ vọng của xã hội, thưa Giáo sư?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Tương lai của một dân tộc là nhìn vào thanh niên, tương lai của một quốc gia nào người ta cũng đều "đánh cược" vào vai trò của thanh niên.

Chúng ta hãy trở lại lịch sử. Khi đất nước phải đương đầu với những thử thách hiểm nghèo thì những người trở thành tấm gương hết sức tiêu biểu của dân tộc đều là thanh niên. Rõ ràng chúng ta phải khẳng định rằng thanh niên ở bất cứ thời đại nào cũng là lực lượng nòng cốt để giải quyết công việc trọng đại của đất nước, vừa là lực lượng tiên phong, cái cần đối với họ là một sự dẫn dắt đúng, một định hướng đúng.

Cái mà chúng ta đang băn khoăn hiện nay là thanh niên chưa được như ý muốn xã hội. Vẫn có một cái gì đó như là lời trách cứ, sự không hài lòng về vai trò, ý thức, đóng góp của thanh niên hiện nay.

Cũng có một thực tế đáng tiếc là nảy sinh hiện tượng xuống cấp, suy thoái đạo đức về mặt phẩm chất, đạo đức của thanh niên, thậm chí xâm hại đến hình ảnh của quốc gia…

Bản lĩnh của thanh niên là tập hợp nhiều đức tính. Đó là dám nghĩ, dám nói, dám làm; không ngại khó, không ngại khổ, có chí lớn… Vì thế, thanh niên phải biết hy sinh để cống hiến, phải vượt lên trên tính toán cá nhân. Ngày nay, thanh niên còn phải có ý thức sâu sắc trước cảnh nghèo nàn, lạc hậu của quê hương để từ đó quyết tâm làm chủ nghề nghiệp, ra sức nắm lấy khoa học, kỹ thuật, vươn lên những đỉnh cao của trí tuệ để xây dựng cho bản thân mình một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu đến chừng nào?”. Học và làm theo lời Bác, trong thời kỳ kháng chiến, phong trào “Ba sẵn sàng” và khẩu hiệu “Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ” đã được lịch sử dân tộc ghi nhận, bạn bè thế giới ngợi ca. Ngày nay, các phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Học vì ngày mai lập nghiệp”, “Thanh niên tình nguyện”, “Hiến máu nhân đạo” đã và đang thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia.

Nguyện vọng thiết tha của thanh niên là phải đưa dân tộc vươn lên cùng thế giới, cùng bè bạn năm châu. Ngày xưa là nhục mất nước, bây giờ là nhục tụt hậu. Chính vì vậy phải tiếp tục khơi dậy và nuôi dưỡng  lòng tự hào dân tộc, tình yêu nước đang chất chứa trong lòng cả một thế hệ thanh niên.

Ông vừa nhắc đến những lời trách cứ một bộ phận thanh niên hiện nay? Nguyên nhân là gì thưa ông?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Bất cứ hiện tượng nào đều có nhiều nhân tố tác động.

Theo tôi, thứ nhất là bởi “đất” cho thế hệ trẻ phát huy vai trò không nhiều. Ví dụ như hiện nay, dù công việc thì nhiều nhưng đều do sự cắt đặt của “người lớn”, họ chỉ làm theo sự phân công. Thứ hai, tuổi trẻ bao giờ cũng nhạy cảm với cái mới, dường như có sự thay đổi về mảng giá trị - là một hiện tượng mang tính quy luật của phát triển. Từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá, rồi đến thời kỳ chúng ta có nhiều khó khăn về kinh tế, đến giờ là thời kỳ chúng ta gặt hái những thành quả của đổi mới, nhu cầu tăng chất lượng cuộc sống lên cao, cái hấp dẫn những nhu cầu đời thường của con người khác trước rất xa.

Thế nên chúng ta không thể lúc nào cũng quay lại những cái “ngày xưa” được mà phải hình thành những bảng giá trị mới. Có vẻ những bảng giá trị chúng ta áp cho thanh niên vẫn như xưa cũ. “Chúng tớ trước đây thiếu ăn, chúng tớ trước nghèo khổ”… Những cái đó có thể là đúng trên một ý nghĩa tinh thần nào đó nhưng nó không còn phù hợp. Xét về mặt đại thể thì ý chí đó không bao giờ thay đổi nhưng nếu áp vào hoàn cảnh cụ thể thì nó có thể dẫn đến xung đột thế hệ.

Chính vì vậy trong Nghị quyết Trung ương 8 về văn hóa thì có ý tứ xây dựng mẫu hình văn hóa trong đời thường để làm cái nền cho con người Việt Nam thay vì mẫu hình lý tưởng mà trên thực tế rất ít thấy.

Nếu chúng ta không thay đổi bảng giá trị thì sẽ dẫn đến trường hợp thanh niên không hào hứng và sẽ giảm đi rất nhiều những đóng góp của họ.

Với thanh niên hiện nay, dường như truyền thống không phải là dòng chảy trong huyết quản hừng hực nữa. Cái này liên quan đến giáo dục truyền thống của chúng ta.

Theo tôi, giáo dục truyền thống có sự cảm nhận tự nhiên nhưng giáo dục để truyền lửa là cả một nghệ thuật thì chúng ta chưa chú ý. Chúng ta đang giáo dục truyền thống theo kiểu áp đặt, dạy lịch sử theo kiểu bắt nhớ thật nhiều và thần thánh hóa lịch sử. Những hạn chế này không khiến người ta quay lưng với lịch sử nhưng có thể sẽ khiến người ta bớt đam mê.

Bên cạnh đó, đạo đức của người lớn cũng tác động đến thanh niên, đó là ảnh xạ, phản ánh. Những người ở vai cha chú nhưng không gương mẫu thì sẽ dẫn đến sai lệch nhiều thang giá trị cho thanh niên.

Thưa Giáo sư, Chính phủ đầu tiên của nước ta đã có Bộ Thanh niên. Vậy theo ông, có nên có một cơ quan Nhà nước trực tiếp quản lý lực lượng lớn nhất trong xã hội này không?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Năm 1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa có Bộ Thanh niên vì nhận thức được đây là lực lượng nòng cốt, đi tiên phong trong sự nghiệp cách mạng, nên phải có một cơ quan nhà nước tổ chức. Hiện nay, cơ chế tổ chức lực lượng thanh thiếu niên hành chính hóa bằng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhưng chỉ là tổ chức quần chúng, tổ chức chính trị-xã hội của thanh niên Việt Nam.

Chúng ta phải nghiên cứu mô hình của các nước và theo tôi, nên hành chính hóa bằng một Bộ Thanh niên hoặc một Bộ liên ngành có phần phụ trách thanh niên.

Đất nước ta từng trải qua nhiều thời điểm rơi vào tình trạng bị nước ngoài nô dịch với âm mưu đồng hóa nhưng chúng ta vẫn giành lại được độc lập và bảo tồn bản sắc dân tộc. Thời kỳ phe XHCN tan rã, thế giới cũng tưởng chúng ta sẽ “quỵ”  nhưng cuối cùng chúng ta vẫn vươn lên và thực hiện đổi mới thành công.

Điều này cho thấy yếu tố quan trọng nhất là niềm tin. Chúng ta phải đặt lòng tin vào tầng lớp đông đảo nhất, năng động nhất, tầng lớp hội tụ tất cả khả năng, tài trí của dân tộc, đó là đội ngũ thanh niên Việt Nam. Cần huy động tất cả sức lực của tuổi thanh xuân để đưa đất nước vươn lên giành một chỗ đứng xứng đáng trong cộng đồng nhân loại.

Phương Liên (thực hiện)