Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 11/5, trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Hồng (Techfest Nam Định 2023), Bộ KH&CN, VCCI, UBND tỉnh Nam Định đã phối hợp tổ chức diễn đàn cấp cao "Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Hồng".
Diễn đàn đã ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận, trao đổi để hướng đến mục tiêu xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động của vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) nhằm thúc đẩy hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp và phát triển DN, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các địa phương, xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ĐBSH theo tinh thần Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH.
Dẫn Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2022 vừa được công bố mới đây, Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa cho hay, báo cáo đã đánh giá cao xu hướng cải thiện chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục được duy trì, riêng vùng ĐBSH có 4/11 tỉnh thành (gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc) nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất - PCI 2022.
Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp cho thấy, chính quyền các tỉnh, thành phố vẫn cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Việc tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chính là yếu tố quan trọng để hỗ trợ cộng đồng DN nói chung và các DN khởi nghiệp nói riêng vượt qua khó khăn, thách thức, từ đó góp phần tích cực vào sự phục hồi và phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh: "Việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia hiệu quả và có tính liên kết chặt chẽ giữa các thành phần trong hệ sinh thái đang là mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện. Trong đó, tập trung khai thác nguồn lực địa phương sẽ tạo tính bền vững, lâu dài cho sự phát triển của hệ sinh thái quốc gia".
Ông Trần Văn Tùng cũng lưu ý 3 điểm ưu tiên của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của vùng. Đầu tiên, đó là ưu tiên tập trung vào con người, phát triển đào tạo, giáo dục về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời cho biết, năm 2023, Bộ KH&CN sẽ đồng hành cùng Bộ GD&ĐT để tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học.
"Như vậy, cần phải có những sáng kiến, cơ chế chính sách để phát triển nguồn lực tại chỗ, thu hút được nhân lực chất lượng cao không chỉ ở các địa phương, vùng kinh tế khác, mà còn từ mạng lưới chuyên gia trên khắp thế giới về đổi mới sáng tạo tới công tác, sinh sống tại đây", Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho hay.
Thứ hai, cần cơ chế khuyến khích những sáng kiến liên quan tới việc huy động nguồn lực các bên để kết nối các mạng lưới, các trung tâm đổi mới sáng tạo mở tạo thành trung tâm vùng tận dụng nguồn lực trung ương, quốc tế.
Ví dụ như các địa phương trong vùng đã và đang hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Vậy sự kết nối, hợp tác giữa các trung tâm này ra sao? Sự tham gia của các DN, tập đoàn lớn trong và ngoài nước trong vùng ĐBSH, cả những DN FDI trong hoạt động xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ra sao? Cần những cú hích gì, những vấn đề gì phải tháo gỡ để có thể khai thác được sự liên kết, hợp tác này?
Thứ ba, việc có những cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù trong vùng là hết sức quan trọng. Ví dụ như việc thử nghiệm trong môi trường thực tế trong nhóm ngành, lĩnh vực mới như ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo, thiết bị không người lái... Đi cùng với đó là khả năng các địa phương có thể sắp xếp những không gian mở để mô hình, sản phẩm, dịch vụ mới có thể được thử nghiệm, liên thông giữa các không gian đó trong cả vùng ĐBSH.
Những ưu đãi mạnh hơn về thuế, đất đai, ưu tiên trong cung ứng dịch vụ công, xác nhận, công nhận các sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư mạo hiểm... đều là những nhu cầu hết sức thực tiễn.
Từ thực tế tại địa phương, ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho hay, trong những năm qua, Nam Định đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, chuyển hướng mạnh phát triển công nghiệp hiện đại dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số..
Nhờ đó, kinh tế tỉnh Nam Định có bước tăng trưởng khá. Năm 2022, tỉnh tăng trưởng 9,07% so với năm 2021, đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng cho biết, tới đây, tỉnh sẽ có thêm những chính sách, chiến lược thu hút, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương hơn nữa.
Chia sẻ thực tiễn tại Hà Nam, ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã nâng cao nhận thức, năng lực của cộng đồng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từ đó khích lệ sự tham gia của các tổ chức, cá nhân và các DN vào hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tỉnh hỗ trợ 60 mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phụ nữ và 21 mô hình đoàn thanh niên và 35 mô hình của các HTX, các DN với tổng kinh phí huy động tham gia khoảng 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Hà Nam vẫn có một số khó khăn tồn tại, như nguồn vốn cho chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với tỉnh vẫn còn hạn hẹp. Đặc biệt, hiện chưa có cơ chế đủ hấp dẫn để hướng hoạt động khởi nghiệp sang những lĩnh vực có hàm lượng KHCN cao. Các dự án, mô hình khởi nghiệp quy mô còn nhỏ, hàm lượng KHCN thấp (kể cả với sản phẩm OCOP). Tính liên kết, bền vững không cao. Với DN khởi nghiệp tính rủi ro cao, thiếu vốn, thiếu công nghệ, thị trường, khó cạnh tranh… Đây vẫn còn là điểm nghẽn trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Hà Nam cho đến nay.
Còn ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN TP. Hải Phòng đề nghị cấp trên có sự định hướng mục tiêu khởi nghiệp đối mới sáng tạo cụ thể cho các địa phương, "bởi không thể dàn hàng ngang để đi"; đồng thời cho biết, công cuộc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thực tế không phải không có nguồn lực mà đang bị "kìm" bởi một số cơ chế chính sách. Bối cảnh kinh tế thế giới thay đổi hậu đại dịch và các xu hướng mới đòi hỏi cần sớm rà soát chính sách để giúp doanh nghiệp có thêm sự hỗ trợ trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Điểm khó nhất là tư duy lãnh đạo
Từ góc độ chuyên gia, ông Lý Đình Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia cho hay, hầu hết khi thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đối mới sáng tạo của các địa phương, điểm khó nhất là tư duy lãnh đạo.
Theo ông Lý Đình Quân, nhiều lãnh đạo các địa phương cho rằng, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là chỉ hỗ trợ cho khởi nghiệp. Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo là một cách để tái cấu trúc và nâng cao hiệu suất, phát triển nền kinh tế địa phương.
Khi tầm nhìn lãnh đạo xem đổi mới sáng tạo là đòn bẩy, nền tảng để phát triển KHCN cũng như đòn bẩy để giải quyết tất cả các vấn đề của tư duy truyền thống, lúc đó khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ trở nên mạnh mẽ và có lực đẩy đi rất nhanh.
Một khó khăn khác là các địa phương không biết làm cách nào để thực hiện đổi mới sáng tạo. Dựa trên các văn bản của Bộ KH&CN để lập kế hoạch, nhưng khi thực hiện lập kế hoạch hành động và đưa qua các sở thì không nhận được sự đồng thuận. Vì vậy, cần phải có sự tham gia của bộ ngành và các tổ chức cố vấn hỗ trợ cho địa phương.
Ông Lý Đình Quân cũng khuyến nghị các địa phương có thể chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là giai đoạn đầu: Truyền cảm hứng, thông qua nhiều hội thảo, hội nghị để giải quyết bài toán nhận thức. Nhóm thứ hai là giải quyết bài toán phát triển các nguồn lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong đó, lựa chọn những con người tiên phong để dấn thân, hợp tác với doanh nghiệp và các bên liên quan để đưa tri thức vào quá trình điều hành quản lý của nhà nước. Đó là quá trình kiến tạo. Nhóm thứ ba là yếu tố liên quan tới các mạng lưới (cố vấn), mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần…
Cùng quan điểm, ông Trương Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia cho hay, có nhiều suy nghĩ rằng hoạt động đổi mới sáng tạo là hoạt động phong trào, tuy nhiên đó chỉ là giai đoạn đầu. Chúng ta cần có những hoạt động thiết thực truyền cảm hứng, nâng cao nhận thức của cộng đồng và sau đó phải là tìm kiếm các "champion"- người đi đầu và dẫn dắt các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.
Ngoài ra, ông Trương Thanh Hùng cho rằng, hệ sinh thái chỉ mang tính hình thức nếu không có sự liên kết. Do đó tính liên kết rất quan trọng. Trong một tỉnh thành phải có sự liên kết giữa sở KH&CN với các trung tâm đổi mới sáng tạo, đoàn thanh niên, hội phụ nữ…
Ông Trương Thanh Hùng cũng gợi ý, để xây dựng hệ sinh thái mở với các tỉnh, thành phố, cần chú ý tới ba yếu tố "mở thân, mở tâm và mở tuệ".
Trong đó, trước hết về "mở thân", ông Hùng cho biết trong những năm qua đã chứng kiến nhiều tỉnh, thành phố đi sau nhưng đã học hỏi, đón nhận và tăng tốc rất nhanh.
Về "mở tâm" là đón nhận điều mới. Các hoạt động khởi nghiệp trong vùng ĐBSH cũng vậy, cần chấp nhận những sai sót ban đầu, đó là hành trình phải đi qua trước khi gặt hái thành công. Về "mở tuệ", đó là là sự hiểu đúng về hệ sinh thái, về những người đi đầu.
Hoàng Giang