Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Văn bản của Bộ GTVT nêu rõ: Dự án này đã được Bộ GTVT chấp thuận nghiệm thu và đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 10/10/2018.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có trách nhiệm thực hiện công tác bảo trì công trình dự án trong quá trình khai thác nêu tại Điều 38, Điều 39 của Hợp đồng Dự án số 06/HD.BOT-BGTVT ngày 10/2/2015 ký kết giữa Bộ GTVT với Liên danh nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án; không tự ý dừng phục vụ phương tiện lưu thông trên tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình trong quá trình bảo trì công trình dự án khi chưa được Bộ GTVT chấp thuận.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng yêu cầu Liên danh nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT tại Thông báo kết luận số 98/TB-BGTVT ngày 29/3/2019; hoàn thiện các thủ tục đáp ứng điều kiện thu phí nêu tại Văn bản số 2510/BGTVT-TC ngày 20/3/2019 về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm thu phí Km17 100 tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình để sớm triển khai việc thu phí trên tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình.
Trước đó, theo đại diện Tổng Công ty 36, nhà đầu tư dự án đường Hòa Lạc-Hòa Bình, sau khi tuyến đường được thông xe ngày 10/10/2018, đến nay dự án chưa được thu phí hoàn vốn. Doanh thu thu phí trạm QL6 Xuân Mai-Hòa Bình bị sụt giảm, ảnh hưởng đến phương án tài chính của nhà đầu tư. Do đó, nhà đầu tư dự án sẽ tạm dừng phục vụ đối với các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường Hòa Lạc-Hòa Bình kể từ 0 giờ ngày 15/4/2019.
Dự án đường Hòa Lạc-Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai-Hòa Bình theo hình thức BOT có tổng mức đầu tư bao gồm cả lãi vay là 2.723 tỉ đồng và thời gian được bắt đầu thu phí tuyến đường Hòa Lạc-Hòa-Bình từ ngày 1/11/2018, thời gian thu hồi vốn dự án là 27 năm 6 tháng 9 ngày.
Theo đại diện Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc-Hòa Bình, trong quá trình triển khai thực hiện dự án gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng chậm; doanh thu thu phí thực tế thấp so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT đã ký (do miễn giảm giá vé trạm phí QL6 để hoàn vốn tuyến đường Hòa Lạc-Hòa Bình) dẫn đến ngân hàng cho vay vốn nhiều lần phải tạm dừng giải ngân, thời gian hoàn vốn cho dự án dài...
Đường Hòa Lạc-Hòa Bình có tổng chiều dài tuyến đường 25,6 km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m và có vận tốc tối đa 80 km/giờ và đặt một trạm thu phí tại Km17 100. Tuyến đường này sẽ giúp hành trình từ Hà Nội tới Hòa Bình rút ngắn chỉ còn 1 giờ so với đi trên tuyến Quốc lộ 6 hiện nay mất tới 2 giờ đồng hồ.
Sau lễ thông xe, các loại phương tiện đường bộ chủ yếu tham gia lưu thông trên tuyến đường Hòa Lạc-Hòa Bình dẫn đến doanh thu trên tuyến QL6 sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến phương án tài chính.
Theo thống kê của nhà đầu tư, tính tới tháng 2.2019, doanh thu thu phí thực tế trên tuyến QL6 bị giảm 28,9 tỉ đồng so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT đã ký. Việc chậm thu phí tới hơn 5 tháng so với thời gian quy định trong hợp đồng BOT cùng với sự sụt giảm doanh thu thu phí nên ngân hàng cho vay vốn là SHB đã tạm dừng giải ngân cho vay từ đầu tháng 2/2018 dẫn đến doanh nghiệp dự án không có đủ nguồn kinh phí để thực hiện công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng tuyến đường.
Với lý do này, để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường Hòa Lạc-Hòa Bình trong thời gian chờ Bộ GTVT cho phép tuyến đường được thu phí chính thức, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đề nghị được tạm dừng phục vụ đối với các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường Hòa Lạc-Hòa Bình để nhà đầu tư thực hiện việc kiểm tra, rà soát các lỗi kỹ thuật (nếu có), tránh các nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn trong quá trình các phương tiện tham gia lưu thông sau khi được thu phí chính thức.
Phan Trang