Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
“Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”, Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ thái độ rất quyết liệt.
Đặt trong bối cảnh hiện nay, có thể coi yêu cầu này của Thủ tướng là một mũi tên trúng nhiều đích.
Trước hết, trong bối cảnh Tết Nguyên đán sắp đến gần, Thủ tướng đã nhấn mạnh yêu cầu phải chủ động, tập trung chăm lo Tết cho nhân dân. Cùng với đó, dồn sức để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn còn lại của năm 2016, sau đó, bắt tay ngay vào công việc của năm 2017 từ những ngày đầu, tháng đầu, không để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Yêu cầu không chúc Tết lãnh đạo các cấp cũng là để tập trung thời gian, công sức vào công việc, trước hết là để người dân mọi miền có một cái Tết an vui, tiết kiệm, đồng thời góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Quan trọng hơn, yêu cầu của Thủ tướng đã gửi đi thông điệp về quyết tâm xây dựng một Chính phủ và một hệ thống hành chính liêm chính, phục vụ.
Thực tế, chúc Tết, mừng tuổi vốn là một phong tục của dân tộc, một nét văn hóa truyền thống đặc sắc mỗi dịp Tết đến, xuân về. Trên thế giới, việc biếu tặng cũng là việc thường thấy ở nhiều nơi như một biểu hiện của lòng hào hiệp, hiếu khách, thậm chí còn có hẳn một cuốn sách nổi tiếng về vấn đề này – cuốn “Luận về biếu tặng”.
Thế nhưng lâu nay, việc chúc Tết ở nhiều nơi đã bị biến tướng, là dịp để nhiều người “lấy lòng” cấp trên. Nhiều người không muốn nhưng vì nhiều lý do khác nhau cũng phải vất vả, lao tâm khổ tứ cho quà Tết!
Đối với người dân, việc cán bộ, công chức bỏ thời gian, công sức đi chúc Tết lãnh đạo đã là phản cảm, kèm theo đó là “phong bao, phong bì, biếu xén” thì lại càng không thể chấp nhận. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra chỉ đạo “không chúc Tết” khi ông đang quyết liệt chỉ đạo các giải pháp phòng chống tham nhũng lãng phí.
Hơn thế nữa, mới đây Trung ương Đảng vừa ban hành Nghị quyết mới xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó đã thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Theo Thủ tướng, việc chống những biểu hiện suy thoái phải bắt đầu từ những việc rất bình thường như chúc Tết. Không phải ngẫu nhiên khi cùng một gốc từ nguyên với nghĩa là “cho”, từ “gift” có nghĩa là “quà tặng” trong tiếng Anh, lại có nghĩa là “độc dược” trong nhiều ngôn ngữ châu Âu khác!
Tất nhiên, không phải ai cũng đi chúc Tết vì những động cơ không trong sáng. Nhưng như người xưa đã nói, nơi ruộng dưa thì không nên xỏ giày, dưới cây mận thì không nên sửa nón, việc dứt khoát nói không với chúc Tết như yêu cầu của Thủ tướng sẽ xóa bỏ sự hoài nghi của người dân, của công luận.
Tất nhiên, không chúc Tết chỉ là một việc, còn rất nhiều việc phải làm để thực hiện được mục tiêu nói trên. Nhưng yêu cầu của Thủ tướng cũng chính là một cam kết với người dân và với cam kết này, người dân đang hết sức kỳ vọng vào một Chính phủ, một hệ thống hành chính liêm chính, trong sạch.
Còn nhớ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới nhậm chức, một trong những chỉ đạo đầu tiên của ông là yêu cầu các địa phương, bộ ngành không đến tặng hoa, chúc mừng Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và bộ trưởng. Trên thực tế, việc này đã được chấp hành nghiêm túc và người dân mong đợi chỉ thị mới của Thủ tướng cũng sẽ được thực thi như vậy.
Điều này đòi hỏi sự đồng tâm, hiệp lực của tất cả các thành viên Chính phủ và sự giám sát của các tầng lớp nhân dân; không chỉ góp phần chống tham nhũng, tiêu cực, mà còn giúp ngày Tết trở về với ý nghĩa nhân văn đích thực, vốn có.
Hà Chính