Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hôm nay (28/9), Hội Đông y Việt Nam (VOTMA), Tổ chức Truyền thông thay đổi hành vi (Intelligentmedia) và Tổ chức Soi Dog foundation international (Soi Dog) phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức và truyền thông giảm tiêu thụ thịt chó, mèo tới hơn các thầy thuốc y học cổ truyền trên cả nước.
Buổi tập huấn nhằm thảo luận và đưa ra các giải pháp chiến lược mà cộng đồng y học cổ truyền có thể triển khai góp phần hỗ trợ việc kiểm soát nhu cầu tiêu thụ thịt chó, mèo vì các lý do liên quan đến bồi bổ và tăng cường sức khỏe.
Tại Việt Nam, không có dẫn chứng cụ thể về thời gian và lý do thịt chó, mèo được tiêu thụ như thực phẩm. Tuy nhiên, những lời đồn thổi cho rằng, ăn thịt chó, mèo bổ dưỡng và có thể chữa bệnh được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, đồng thời có sự liên hệ với việc sử dụng dược liệu và thành phần có nguồn gốc từ động vật theo y học cổ truyền.
Theo lương y Ngô Văn Dương, Chủ tịch CLB Lương y chuyên sâu Việt Nam, thịt chó, mèo không có tác dụng bổ dưỡng nhiều như mọi người nghĩ.
Theo y học cổ truyền, thịt chó, mèo cũng không phải là thần dược chữa các bệnh liên quan đến bổ thận dương, viêm loét dạ dày-tá tràng, chữa hen... đồng thời cũng không có bằng chứng khoa học khẳng định, thịt chó có thể hỗ trợ tăng cường sinh lý nam hoặc cao xương mèo giúp hỗ trợ các bệnh lý về xương, khớp.
Song, theo lương y Ngô Văn Dương, khoa học đã chứng minh, khi ăn thịt chó nếu không được chế biến tốt có thể bị nhiễm các loại ký sinh trùng, gây các bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng.
Trong đó, bệnh dại là một nguy cơ lớn. Virus dại có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao trong quá trình nấu chín thịt, nhưng dụng cụ nhà bếp khi nấu ăn dễ bị lây nhiễm chéo và gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn.
"Tôi không bao giờ kê đơn hoặc khuyên bệnh nhân của mình ăn thịt chó, mèo như một thực phẩm cải thiện sức khỏe. Hiện nay có rất nhiều dược liệu tự nhiên an toàn, hiệu quả và các sản phẩm, thực phẩm thay thế phong phú khác mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận một cách dễ dàng", ông Ngô Văn Dương chia sẻ.
TS. Trần Xuân Nguyên, Trưởng ban Chuyên môn, Hội Đông y Việt Nam cũng nhấn mạnh, cần thiết phải thay đổi niềm tin và khuyến khích người buôn bán, và người ăn thịt chó, mèo thay đổi hành vi. Hội Đông y Việt Nam sẽ tích cực lan tỏa thông điệp giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ thịt chó, mèo bảo vệ sức khỏe trong cộng đồng y học cổ truyền và trong toàn xã hội.
Ăn thịt chó, mèo không phải là trái pháp luật ở Việt Nam, do đó, công tác giáo dục và thay đổi kiến thức và hành vi là việc làm đúng đắn và cần thiết.
Bà Bùi Thị Duyên, Giám đốc Chương trình Thay đổi hành vi (Tổ chức Intelligentmedia) cho biết, các chiến dịch vận động xã hội và truyền thông thay đổi hành vi sẽ được thực hiện nhằm đúng vào mục đích sử dụng của nhóm người tiêu thụ thịt chó, mèo. Trong đó, đào tạo các thầy thuốc y học cổ truyền để họ trở thành những đại sứ của dự án là một ví dụ.
Truyền thông thay đổi hành vi nếu được thực hiện xuyên suốt và thống nhất sẽ giúp đạt được các chỉ số đo lường về việc thay đổi kiến thức, thái độ và hành vi của nhóm đối tượng mục tiêu.
Cũng tại buổi tập huấn, ông Rahul Sehgal, Giám đốc Tuyên truyền và chính sách chương trình quốc tế (Tổ chức Soi Dog) đã chia sẻ những kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, từ đó đúc kết những bài học mà Việt Nam có thể áp dụng để quản lý tốt hơn vấn đề này.
Kết thúc buổi tập huấn, Hội Đông Y Việt Nam cùng các thầy thuốc y học cổ truyền đã triển khai kế hoạch hành động lồng ghép các nội dung về giảm thiểu những tác hại tiêu cực đối với sức khỏe con người của hoạt động buôn bán và tiêu thụ thịt chó, mèo trong các sự kiện y học cổ truyền có liên quan, dự kiến tiếp cận hàng trăm bệnh nhân và cá nhân trong xã hội.
HM