Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp. |
Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề được dư luận quan tâm gần đây là con số tính toán chỉ tiêu lao động đã qua đào tạo tại Việt Nam không có căn cứ, “bịa để làm đẹp báo cáo”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp khẳng định, cách tính toán chỉ tiêu lao động đã qua đào tạo của Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện lao động đã qua đào tạo nghề được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là người đã được đào tạo ở một trường hay một cơ sở đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ 3 tháng trở lên và đã tốt nghiệp, đã được cấp bằng/ chứng chỉ chứng nhận đạt một trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ nhất định. Nhóm này gồm sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp, đại học và trên đại học (thạc sĩ, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học).
Nhóm thứ hai là người chưa qua một trường lớp đào tạo nào nhưng do tự học, do được truyền nghề hoặc vừa làm vừa học nên họ đã có được kỹ năng, tay nghề, tương đương với bậc 1 của công nhân kỹ thuật có bằng/ chứng chỉ cùng nghề và thực tế đã từng làm công việc này với thời gian từ 3 năm trở lên (hay còn gọi là công nhân kỹ thuật không bằng/ chứng chỉ).
Nhóm thứ nhất là thuộc cách phân loại lực lượng lao động theo chỉ tiêu số 14 trong Bộ chỉ tiêu cơ bản của thị trường lao động (KILM) theo hướng dẫn của ILO. Nhóm thứ hai thì theo đúng hướng dẫn trong Tiêu chuẩn quốc tế về phân loại nghề nghiệp – ISCO-08 cũng của ILO.
Theo Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Chang Hee Lee, Việt Nam là thành viên của ILO và đã thực hiện theo đúng hướng dẫn của ILO. Hướng dẫn của ILO là sử dụng cả hai chỉ tiêu, bổ sung cho nhau để đánh giá đúng chất lượng nguồn nhân lực.
Trả lời về việc vừa qua có thông tin, các chỉ tiêu lao động được đưa ra là để “làm đẹp báo cáo”, không phản ánh đúng sự thật, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, từ năm 2014, Bộ LĐ-TB&XH được Chính phủ giao nhiệm vụ thu thập, tổng hợp chỉ tiêu “Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo”. Bộ đã giao Cục Việc làm thực hiện nhiệm vụ này. Để tổng hợp tính toán chỉ tiêu, Cục Việc làm dựa trên cơ sở dữ liệu Cung lao động được cập nhật hằng năm do Cục Việc làm triển khai từ năm 2010 trở lại đây. Cơ sở dữ liệu cung lao động gồm có các thông tin cơ bản về nhân khẩu học, trình độ giáo dục phổ thông, trình độ chuyên môn kỹ thuật, lĩnh vực giáo dục – đào tạo, tình trạng hoạt động kinh tế của người lao động do UBND cấp xã triển khai thu thập, cập nhật dữ liệu hàng năm và hiện có thông tin của 21 triệu hộ gia đình.
Từ cơ sở dữ liệu Cung lao động cho biết được chi tiết trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất mà người lao động đạt được, theo đó, tỷ lệ này qua các năm như sau: Năm 2014 là 49,14%; năm 2015- 52,60%; năm 2016- 53,0%; năm 2017- 56,10% và ước tính năm 2018 là 58,60%.
“Như vậy, số liệu công bố về tỷ lệ lao động qua đào tạo là hoàn toàn có cơ sở, từ dữ liệu của 21 triệu hộ gia đình chứ không phải là con số không có cơ sở” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định.
Bên cạnh đó, hàng quý, Tổng cục Thống kê đều tổ chức điều tra chọn mẫu về lao động việc làm. Phiếu điều tra lao động việc làm hằng năm đã thiết kế các câu hỏi liên quan để có thể tính toán được chỉ tiêu lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ, không có bằng cấp chứng chỉ. Kết quả cho thấy, số liệu cập nhật từ cơ sở dữ liệu Cung lao động do Bộ LĐ-TB&XH thực hiện và số liệu điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê đưa ra không có mâu thuẫn, tương đối đồng nhất.
Trước những ý kiến về việc không nên giao các chỉ tiêu dạy nghề vì dẫn đến lãng phí và chỉ mang lại lợi ích cho các cơ sở dạy nghề, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định, chất lượng nguồn nhân lực là một trong các yếu tố quyết định tiềm lực quốc gia, đóng góp vào việc quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì vậy, việc lao động được đào tạo tại trường lớp giúp việc nâng cao kiến thức, lý thuyết lý luận nhanh hơn, bài bản hơn rất nhiều, tiết kiệm thời gian và công sức của người học, người dạy.
Trong bối cảnh thị trường lao động biến động nhanh chóng, nhu cầu về kỹ năng thay đổi rất nhanh, đặc biệt là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động phải thay đổi việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp thường xuyên hơn và do đó nhu cầu đào tạo nâng cao và đào tạo lại (ngắn hạn) là rất lớn. Ngay cả nhiều các khóa đào tạo ngắn hạn đã giúp người nghèo cải thiện được sinh kế, giúp người nông dân nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng, chuyển đổi việc làm, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng thừa nhận, trong quá trình triển khai ở một số địa phương vẫn còn nhiều bấp cập về lựa chọn đối tượng đi học, chọn nghề để mở lớp đào tạo, chất lượng đào tạo dẫn đến hiệu quả không cao, thậm chí có sự phản ứng của đối tượng. Điều đó là có song không có nghĩa là phủ nhận sạch trơn các chính sách và chương trình đào tạo nghề nói chung và cho các đối tượng chính sách, các đối tượng yếu thế nói riêng.
Đối với lĩnh vực việc làm, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, có ba chỉ tiêu là: Tổng số việc làm mới được tạo ra, tổng số việc làm mất đi, tổng số việc làm tăng thêm (bằng số mới được tạo ra trừ số bị mất đi). Đây chính là thước đo thành tựu việc làm của nền kinh tế; và được tính toán khoa học, như khảo sát doanh nghiệp, suy rộng, xây dựng mô hình/ công thức để ước tính.
Vì vậy, khi thống kê tại Việt Nam, các cơ quan cũng cần dùng khái niệm được định nghĩa rõ ràng, tính toán thực sự khoa học để tránh hiểu nhầm và gây nghi ngờ./.
Thu Cúc