Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo GS.TS. Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã góp phần tạo hành lang pháp lý ngày càng thông thoáng, cởi mở, thuận lợi hơn cho việc triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Ở phương diện quốc tế, năm 2006, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mở ra một thị trường rộng lớn cho các loại hàng hóa và dịch vụ văn hóa, tạo cơ hội để các sản phẩm văn hóa Việt Nam vươn xa tiếp cận với thị trường toàn cầu. Năm 2007, Việt Nam chính thức tham gia Công ước 2005 của UNESCO về "Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa", đảm bảo tất cả các công dân, đặc biệt là các nghệ sĩ, nghệ nhân có thể sáng tạo, sản xuất, phổ biến và hưởng thụ sự đa dạng của các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.
GS.TS. Từ Thị Loan cho biết, nếu như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) mới đưa ra vấn đề "kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế", gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế, thì Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) đã thể hiện một bước tiến lớn trong nhận thức và hành động của Đảng, khi đưa nội dung "Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa" thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa.
Đến năm 2021, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra nhiệm vụ: "Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hoá". Và gần đây nhất, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: "Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, xây dựng thị trường văn hoá lành mạnh".
Trên cơ sở đó, theo GS.TS. Từ Thị Loan, việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng được triển khai tích cực và nhanh chóng. Trong hai thập niên gần đây, Chính phủ đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều luật nhằm tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như: Luật Điện ảnh (2006, sửa đổi, bổ sung 2009, sửa đổi 2022), Luật Di sản văn hoá (2001, sửa đổi, bổ sung 2009), Luật quảng cáo (2012), Luật Xuất bản (2004, sửa đổi, bổ sung 2008, sửa đổi 2012), Luật Du lịch (2005, sửa đổi 2017), Luật Sở hữu trí tuệ (2005, sửa đổi, bổ sung 2009, sửa đổi 2022)...
Các luật và văn bản dưới luật ngày càng bám sát hơn với tình hình thực tiễn, với cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Năm 2009, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đề ra nhiệm vụ: "Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách và môi trường kinh doanh để phát triển ngành công nghiệp văn hóa". Năm 2015, Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng đặt ra mục tiêu: "Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp và đồng bộ". Năm 2016, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt, xác định 12 ngành công nghiệp văn hóa then chốt của Việt Nam và đặt ra mục tiêu đến năm 2020, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đạt khoảng 3% GDP và đến năm 2030 đạt 7% GDP.
Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO.
Đến năm 2021, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 xác định mục tiêu "Phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo đóng góp 7% GDP; mức tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm trung bình đạt 7%".
Trên thực tế, trước đại dịch COVID-19, theo Báo cáo quốc gia giai đoạn 2016-2019, các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam năm 2018 đã chiếm 3,61% GDP, về đích sớm hơn 2 năm so với chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược, nhỉnh hơn 0,5 so với tỉ lệ đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo vào GDP thế giới được UNESCO công bố vào tháng 2/2022.
GS.TS. Từ Thị Loan cho rằng, về cơ chế đã có những thay đổi căn bản trong cơ chế lãnh đạo, quản lý văn hóa nghệ thuật như: Chuyển từ cơ chế "xin - cho" sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập; từ cơ chế quản lý theo kiểu quan liêu, duy ý chí sang cơ chế kinh tế thị trường trong tất cả các khâu: Sáng tạo, sản xuất, lưu thông, phân phối; cơ chế xã hội hóa được đẩy mạnh trong việc huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa...
Về chính sách, nhiều chính sách mới ra đời, góp phần giải phóng sức sáng tạo và thúc đẩy lực lượng sản xuất văn hóa phát triển: Chính sách khuyến khích các đơn vị sự nghiệp và tổ chức văn hóa, nghệ thuật hoạt động kinh tế; Chính sách chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo loại hình ngoài công lập; Chính sách cổ phần hóa các doanh nghiệp văn hóa nghệ thuật của Nhà nước hoặc chuyển đổi sang hình thức công ty TNHH một thành viên; Chính sách đãi ngộ về tiền lương, chế độ phúc lợi, tôn vinh văn nghệ sĩ (danh hiệu NSND, NSUT); Chính sách khen thưởng, giải thưởng đối với các tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật; Chính sách phát hiện, bồi dưỡng tài năng, năng khiếu trong các trường văn hóa nghệ thuật; Chính sách bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan,...
GS.TS. Từ Thị Loan đưa ra dẫn chứng, chính sách xã hội hóa trong văn hóa được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị quyết số 90/1997/NQ-CP ngày 21/8/1997 của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế và văn hóa; Nghị định số 73/1999 /NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao có nhiều ưu đãi về thuế nhà đất, lệ phí trước bạ, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tín dụng, bảo hiểm cho các cơ sở ngoài công lập; Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ban hành một số chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong các lĩnh vực nêu trên (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ)...
Theo GS.TS. Từ Thị Loan, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đã có những biến chuyển tích cực, năng động, phù hợp hơn với cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, góp phần quản lý, điều chỉnh sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa bằng luật, pháp lệnh, một số ít được điều chỉnh bằng nghị định của Chính phủ hoặc thông tư của Bộ.
Sự thay đổi thể chế, chính sách đã có tác động tích cực đến sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Đơn cử, doanh thu ngành điện ảnh trước khi bùng nổ đại dịch COVID-19 đã đạt khoảng 4.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 176 triệu USD) vượt mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gần 20% và đến đích trước 1 năm. Phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo phát triển nhanh chóng và lan tỏa ra khắp cả nước. Số lượng các không gian sáng tạo đã tăng từ khoảng 40 vào năm 2014 lên tới 140 vào năm 2018 với nhiều loại hình đa dạng.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng để hoàn thiện, tuy nhiên theo GS.TS. Từ Thị Loan, hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn chưa đầy đủ, đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn. Một số lĩnh vực văn hoá nghệ thuật chưa có luật để quản lý.
Các lĩnh vực như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm vẫn phải quản lý bằng nghị định, trong khi đây là những ngành công nghiệp văn hóa quan trọng, đồng thời có nhiều khó khăn, phức tạp trong công tác quản lý. Theo mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 (ban hành năm 2009), đến năm 2015 chúng ta phải ban hành Pháp lệnh Nghệ thuật biểu diễn, Pháp lệnh Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và đến năm 2020 ban hành Luật Nghệ thuật biểu diễn, Luật Mỹ thuật - Nhiếp ảnh, nhưng cho đến nay vẫn chỉ mới có Nghị định để quản lý (Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 về hoạt động mỹ thuật; Nghị định số 72/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về hoạt động nhiếp ảnh).
Luật Quảng cáo được ban hành từ năm 2012 mới chỉ quan tâm đến các hình thức quảng cáo truyền thống (quảng cáo trên báo chí, phát thanh, truyền hình, ngoài trời, phương tiện giao thông...), mà chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ số, quảng cáo trên Internet, mạng xã hội, trong khi đây là phương thức quảng cáo chính hiện nay, mà tiền thu được từ quảng cáo lại rơi vào tay chủ sở hữu là các nhà mạng nước ngoài. Đó là tình trạng chúng ta sử dụng "sân chơi" là hạ tầng công nghệ của nước ngoài và khó đề ra các "luật chơi" để quản lý. Tương tự là một loạt luật khác cũng cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục tình trạng thể chế quản lý xa rời thực tiễn, không phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của môi trường công nghệ.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành năm 2017 đã đưa ra nhiều chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp khu vực tư nhân trong đổi mới sáng tạo như: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng, bảo lãnh tín dụng, thuế, kế toán, mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo... Tuy nhiên, Luật chỉ dành cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ, còn công nghiệp văn hóa là một ngành công nghiệp có tính đổi mới sáng tạo rất cao lại bị bỏ sót.
Tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ các văn bản hướng dẫn vẫn còn. Một số nội dung còn mâu thuẫn, bất cập giữa các văn bản.
Vì vậy để khắc phục những tồn tại trên, GS.TS. Từ Thị Loan cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Sớm xây dựng và ban hành các luật: Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh; Tài trợ, hiến tặng... Sửa đổi, bổ sung một số luật chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường và công nghệ số hiện nay như Luật Quảng cáo, Luật Di sản văn hóa...
Bên cạnh đó, cần đồng bộ hóa nội dung phát triển công nghiệp văn hóa trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, thuế, công nghệ thông tin và truyền thông như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế Giá trị gia tăng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông..., đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Hiện nay, nhiều nội dung ưu đãi cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo… đã đưa được vào Luật Đầu tư số 61/2020 và Nghị định 31/2021, tuy nhiên các ngành công nghiệp văn hóa thuộc Bộ VHTT&DL không được tính đến. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 cũng không quy định văn hóa là lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP khiến việc kêu gọi, thu hút nguồn lực đầu tư khó khăn.
GS.TS. Từ Thị Loan cũng kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản dưới luật, đổi mới cơ chế, chính sách ngày càng phù hợp hơn với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với tư cách là sự hội tụ đa ngành, tháo gỡ kịp thời các rào cản, vướng mắc, nhất là trong các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, di sản văn hóa, quảng cáo, sở hữu trí tuệ...
Thành lập các quỹ hỗ trợ văn hóa nghệ thuật như: Quỹ phát triển điện ảnh, Quỹ hỗ trợ văn hóa số, Quỹ hỗ trợ nghệ thuật… Nguồn vốn ban đầu có thể do Nhà nước cấp hoặc trích % từ doanh thu quảng cáo, truyền thông số, bản quyền khai thác các sản phẩm do Nhà nước đầu tư, lệ phí bán vé, các khoản hiến tặng, nguồn thu hợp pháp khác…
Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đóng vai trò bảo trợ, "bà đỡ" về nền tảng vật chất, kỹ thuật, phân bổ quỹ đất, hỗ trợ đổi mới, phát triển công nghệ. Đặc biệt, trong bối cảnh thời đại số, cần tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng số, trước mắt là đầu tư phát triển hạ tầng số trọng điểm cho một số ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh trong ứng dụng công nghệ số như: Điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, phần mềm và các trò chơi giải trí, truyền hình, thời trang...
Kiện toàn bộ máy quản lý đủ thẩm quyền và năng lực về phát triển công nghiệp văn hóa. Đổi mới cơ chế quản lý đối với các ngành công nghiệp văn hóa. Để giải phóng sức sáng tạo của nghệ sĩ, thúc đẩy lực lượng sản xuất văn hóa, khuyến khích sự đa dạng các biểu đạt văn hóa cần chuyển đổi cơ chế quản lý từ cấp phép, "xin-cho" sang cơ chế thông thoáng, cởi mở hơn, cái gì pháp luật không cấm thì công dân, nghệ sĩ, người sáng tạo, nhà sản xuất được phép làm; chuyển từ cơ chế "tiền kiểm" sang "hậu kiểm".
Diệp Anh