• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Không để thiếu hàng hóa, thực phẩm, xăng dầu dịp Tết Nguyên đán

(Chinhphu.vn) - Năm nay, Tết Nguyên đán rất gần với Tết dương lịch (cách nhau 20 ngày) nên công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân đón Tết được Bộ Công Thương tích cực triển khai từ sớm để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.

08/12/2022 18:25
Không để thiếu hàng hóa, thực phẩm, xăng dầu dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 1.

Hội nghị về công tác chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Quý Mão dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Ảnh: VGP/PT

Thực hiện thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và chỉ đạo của Chính phủ về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023, ngày 8/12, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị về công tác chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán năm 2023, kết hợp với phiên họp thường kỳ của Tổ điều hành thị trường trong nước tháng 12 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Dự trữ hàng hóa tăng 12%

Theo báo cáo của các địa phương, sau đại dịch COVID-19, người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm. Thị trường hàng hoá giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu hàng hóa tăng cộng với việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai. 

Vụ Thị trường trong nước nhận định: Dự trữ hàng hoá Tết năm nay sẽ tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu, như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường... Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước. 

Bên cạnh đó, kinh tế đã khởi sắc, người dân bắt đầu “mạnh tay” với việc chi tiêu cho mua sắm Tết, ước nhu cầu sẽ tăng khoảng 8-10% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hoá chất lượng cao vẫn được người dân quan tâm mua sắm và tiêu dùng.

Không để thiếu hàng hóa, thực phẩm, xăng dầu dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 2.

Dự trữ hàng hoá Tết năm nay sẽ tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước - Ảnh minh họa

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin: Riêng công tác chuẩn bị hàng hóa các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết (tính cho 3 tháng trước, trong và sau Tết): Gạo 290.100 tấn, thịt lợn 57.900 tấn, thịt gà 19.200 tấn, thịt bò 16,050 tấn, trứng gia cầm 387 triệu quả, rau củ 322.500 tấn, thực phẩm chế biến 15.900 tấn, thủy hải sản 15.900 tấn, trái cây 156.000 tấn... Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% với kế hoạch phục vụ Tết năm 2021).

Hiện nay, các doanh nghiệp ở Hà Nội đã xây dựng kế hoạch khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 15-30% so với kế hoạch Tết 2022. Các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.

Tại TPHCM, theo đại diện Sở Công Thương TPHCM, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho các kênh phân phối, các doanh nghiệp đã dành nguồn vốn 22.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa trong 2 tháng Tết. Trong đó tập trung vào các loại hàng hóa, như trứng, lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến… Thành phố hiện có 46 trung tâm thương mại, 227 siêu thị và 3000 cửa hàng tiện ích. Dự báo nguồn hàng tăng khoảng 2-3 lần so với các tháng bình thường.

Các địa phương, như Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng... ngay từ đầu tháng 11, sở công thương đã có các văn bản chỉ đạo và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị Tết. UBND tỉnh một số tỉnh, thành phố đã có chỉ đạo, khuyến nghị các doanh nghiệp huy động tối đa nguồn lực để dự trữ hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với những chính sách thiết thực như tổ chức hội chợ Xuân, các điểm bán hàng bình ổn, các điểm bán hàng lưu động… 

Nguồn cung hàng hóa dồi dào

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Bộ NN&PTNT khẳng định, tình hình sản xuất các mặt hàng nông sản thực phẩm năm 2022 tương đối thuận lợi, nguồn cung mặt hàng thực phẩm thiết yếu dồi dào nên bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho biết đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương tiếp cận vốn vay ngân hàng để dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Bộ Tài chính khẳng định: Tình hình giá cả hàng hóa nói chung hiện không có diễn biến bất thường, lạm phát đang trong giới hạn kiểm soát của Chính phủ.  

Không để thiếu hàng hóa, thực phẩm, xăng dầu

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định: "Thời gian tới, thị trường hàng hóa được đánh giá vẫn sẽ phải đối diện với tình trạng khó khăn khi từ ngày 7/12, các nước EU đã áp giá trần với xăng dầu của Nga. Điều này có thể dẫn đến Nga tìm nguồn khách hàng khác và phía EU đi tìm nguồn cung khác, khiến thị trường sẽ có những biến động khó lường. Trong khi với lượng tiêu thụ hiện nay, Việt Nam không phải là đối tượng ưu tiên cho nhập khẩu xăng dầu.

Bên cạnh đó, giá thịt lợn xuống thấp có thể dẫn đến nguy cơ người dân không tái đàn, vậy nguồn cung ở đâu và kiểm soát giá như thế nào? Tất cả những dấu hiệu này cần phải nhìn nhận rõ ràng để có kế hoạch chuẩn bị".

Không để thiếu hàng hóa, thực phẩm, xăng dầu dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: VGP/PT

Bộ trưởng đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương có kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh sản xuất bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá cả. 

Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, trong đó chú trọng tới mặt hàng thịt lợn để phục vụ nhu cầu người dân trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Bộ trưởng đề nghị, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục triển khai các chính sách bình ổn thị trường và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán với lãi suất ưu đãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng nguồn vốn dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường.

UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo sở công thương và các đơn vị liên quan chủ động xây dựng phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Đối với các tập đoàn, tổng công ty, công ty sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa phục vụ Tết, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị sản xuất chủ động kế hoạch sản xuất. Dự trữ vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý, tiết giảm chi phí, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, nhằm duy trì sản xuất ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý. 

Các đơn vị kinh doanh thương mại chủ động triển khai các chương trình bình ổn thị trường, đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là các khu vực nông thôn, hải đảo, vùng sâu vùng xa nhằm cung ứng tốt hàng hóa thuộc diện bình ổn thị trường nói chung và hàng Việt nói riêng cho người dân. Tích cực tham gia các chương trình hỗ trợ cho người dân diện chính sách, người dân ở các vùng bị thiệt hại do bão, lũ.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm túc tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao, có kế hoạch bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân dịp cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán, không để gián đoạn nguồn cung xăng trong hệ thống kinh doanh.

Các hiệp hội ngành hàng chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên duy trì sản xuất, kinh doanh; chủ động, linh hoạt trong hoạt động xuất nhập khẩu và tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ nguồn hàng cho thị trường.

Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu trong những tháng cuối năm và dịp Tết Quý Mão 2023.

Phan Trang