Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, yêu cầu cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước… không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về vấn đề này, ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, xã hội bắt đầu hoạt động trở lại ở trạng thái "bình thường mới" thì các lễ hội được tổ chức như một sự "bùng nổ" vào đầu năm 2023.
Có một số nguyên nhân. Thứ nhất, nhu cầu đi lễ hội của người dân là có thật và rất lớn, nhất là chúng ta vừa trải qua thời gian dài hạn chế việc tập trung đông người nên khi trở lại với các hoạt động bình thường thì nhu cầu tham gia các lễ hội được "bung ra".
Bên cạnh đó, việc đi lại thuận lợi cũng tạo điều kiện cho việc tổ chức lễ hội tại các địa phương.
Tuy nhiên hiện nay vẫn còn có những nguy cơ về dịch COVID-19 cũng như việc tập trung đông người luôn tiềm ẩn những nguy hiểm, điển hình như vụ giẫm đạp tại lễ hội Halloween ở Hàn Quốc hay sự việc tương tự tại sân vận động ở Indonesia gần đây, khiến rất nhiều người thiệt mạng. Đó chính là bài học nhãn tiền để cho chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về việc tổ chức an toàn các hoạt động tập trung đông người, trong đó có các lễ hội.
Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, lễ hội truyền thống là một phong tục tốt đẹp của người Việt, rất phù hợp với dịp đầu xuân khi con người mong muốn có một trạng thái, tinh thần tốt cho sự khởi đầu một năm mới để có thể vượt qua khó khăn, thách thức. Đó chính là lý do mỗi dịp đầu năm, người dân thường đi lễ hội, đến các di tích, đền chùa để cầu mong những điều tốt đẹp cho bản thân và cho gia đình.
Song song với đó, chúng ta cũng mong muốn sau Tết phải bắt tay ngay vào giải quyết những nhiệm vụ, mục tiêu của năm mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Nhà nước không hạn chế nhu cầu đi lễ hội của người dân nhưng đồng thời luôn kỳ vọng cán bộ, công chức viên chức phải tập trung giải quyết công việc hiệu quả. Đó là lý do Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 03 để chấn chỉnh việc rất nhiều người, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức bỏ bê công việc để đi lễ hội vào dịp đầu năm.
Thực ra không phải đến năm nay mới có Chỉ thị đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán mà gần như năm nào cũng có. Điều đó chứng tỏ có thực tế một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự tập trung cho công việc, vẫn có thói quen lễ lạt kéo dài với tâm lý "Tháng Giêng là tháng ăn chơi".
"Đây là thói quen xảy ra như một quán tính đầu năm và khó bỏ của rất nhiều người đúng như Lenin từng nói, cái khó thay đổi nhất chính là thói quen của con người. Và đây là một thói quen không phù hợp với một xã hội hiện đại", ông Sơn nhấn mạnh.
Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ cũng có những khuyến cáo để chuẩn bị tốt hơn cho mùa lễ hội năm nay. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những Nghị định về quản lý lễ hội như Nghị định 110 ban hành năm 2018… Điều đó cho thấy, chúng ta đã có sự chuẩn bị từ những văn bản quy phạm pháp luật đến những văn bản mang tính tình huống cho từng giai đoạn cụ thể.
Ông Sơn cho rằng, Chỉ thị 03 như hồi chuông cảnh báo cán bộ công chức, viên chức ý thức rõ hơn về nhiệm vụ, trách nhiệm của mình đối với công việc. Chúng ta hy vọng rằng Chỉ thị sẽ được quán triệt rộng rãi, sâu sắc và có hiệu quả trên thực tế.
Về việc xử phạt vi phạm liên quan, những năm trước đây cũng đã có những hình thức như công khai danh sách các xe công đi lễ hội hay kỷ luật cá nhân, đơn vị bỏ nhiệm vụ đi lễ hội. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để, thấu đáo.
Do đó, Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh lại rằng công tác thanh tra, kiểm tra giám sát cần phải được thực hiện tốt hơn, nghiêm khắc hơn nữa và mang tính làm gương hơn nữa. Trong bối cảnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí đang được triển khai quyết liệt, sâu rộng hiện nay, việc công chức sử dụng phương tiện công, thời gian trong giờ hành chính để đi lễ hội cũng có thể xem là biểu hiện của tham nhũng, lãng phí và cần phải nghiêm khắc xử lý thật nghiêm minh để góp phần “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” như Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
Thiện Tâm