Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Từ 1/6 chưa đồng loạt tăng giá khám chữa bệnh không thuộc quỹ BHYT chi trả |
Đối tượng áp dụng của Thông tư này là các cơ sở KCB công lập, người bệnh chưa tham gia BHYT, người bệnh có thẻ BHYT nhưng đi KCB hoặc sử dụng các dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT...
Thông tư cũng quy định mức tối đa khung giá dịch vụ KCB gồm: Mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khoẻ; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm theo quy định.
Trao đổi với báo chí, ông Hà Văn Thúy, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, Thông tư 02 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6, nhưng không có nghĩa là đến ngày đó tất cả các BV trên toàn quốc thực hiện mức giá tối đa này. Bộ Y tế sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các BV thuộc Bộ Y tế, BV hạng đặc biệt, hạng I thuộc các bộ, ngành quản lý.
Đối với các BV thuộc địa phương quản lý và các BV do các bộ, ngành khác quản lý từ hạng II trở xuống sẽ do UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quy định mức giá và thời điểm thực hiện.
Đồng thời, để việc điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình phải bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Y tế cũng đã đề nghị các địa phương dự kiến mức giá và thời điểm thực hiện vào một trong các tháng 7, 8, 10, 12/2017. Trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh thời điểm thực hiện cho phù hợp với mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng của Chính phủ.
Đại diện Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, Thông tư 02 không làm ảnh hưởng đến người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội. Theo chính sách hiện nay, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống ở các xã đảo, huyện đảo, các đối tượng chính sách xã hội… đã được Nhà nước mua thẻ BHYT và được BHYT thanh toán chi phí KCB theo quy định của pháp luật.
Thúy Hà