Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Xin ông nêu nhận định tổng quan về sự phát triển ngành lâm nghiệp trong năm 2016?
Ông Hà Công Tuấn: Theo nhìn nhận của tôi, ngành lâm nghiệp đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm nay là đã về đích thành công. Mặc dù thị trường khó khăn nhưng xuất khẩu vẫn tăng trưởng dương (kim ngạch ước đạt 7,3 tỷ USD).
Tuy nhiên cũng phải nhìn thẳng vào thực tế con số tăng trưởng này là đang có xu hướng tụt lùi so với năm 2015 khi xuất khẩu năm 2016 cũng chỉ tăng được 0,8% chứ không đạt 1% như kỳ vọng ban đầu.
Nguyên nhân chủ yếu nào khiến tăng trưởng và xuất khẩu của ngành vẫn còn “cầm chừng” như vậy, thưa Thứ trưởng?
Ông Hà Công Tuấn: Về khách quan, chúng ta thấy tác động của những hiện tượng thời tiết cực đoan rất rõ. Năm 2016, hạn hán, rét đậm, rét hại không chỉ gây thiệt hại cho trồng trọt chăn nuôi mà còn gây thiệt hại rất lớn cho cho lâm nghiệp. Từ phát triển những khu rừng đã có sẵn, đến việc chuẩn bị giống để tái tạo cho rừng cũng rất khó khăn trong điều kiện bất lợi như đã nói.
Cùng với đó, chúng ta phải thích ứng với các điều kiện của thị trường, thị trường luôn biến động mà sản xuất phải theo chuỗi, cần phải kiểm soát được nguồn gỗ, cả trong nước và nhập khẩu, theo các chương trình quản lý nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Đặc biệt, chúng ta luôn phải thận trọng khi hội nhập kinh tế với các hiệp định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp hoặc các rào cản phi thuế quan trong hàng hóa lâm sản. Hàng hóa muốn xuất khẩu được phải rà soát lại quản lý theo chuỗi.
Yếu tố thứ ba phải kể đến đó là kinh phí hạn hẹp. Muốn thực hiện thành công mục tiêu bảo vệ phát triển rừng, chúng ta không thể nhìn vào nguồn vốn ngân sách mà cái chính là phải giải quyết cơ chế, chính sách để xã hội hóa đầu tư lâm nghiệp. Hiện nay đầu tư của cả xã hội vào lâm nghiệp cũng lớn nhưng vẫn còn nhiều dư địa. Do đó, chúng tôi xác định cần dành kinh phí của Nhà nước để đầu tư cho rừng phòng hộ và đặc dụng.
Một quyết định rất quan trọng với ngành lâm nghiệp trong năm 2016 đó là quyết định đóng cửa khai thác rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ. Việc này sẽ tác động thế nào đến ngành trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Hà Công Tuấn: Kiên quyết đóng cửa khai thác rừng tự nhiên cũng tạo áp lực cho việc bảo vệ rừng. Nhưng với yêu cầu và quyết tâm thực hiện mục tiêu đó, ngành lâm nghiệp phải bảo đảm giảm được ít nhất 20% số vụ vi phạm và giảm 50% thiệt hại do các hành vi xâm hại rừng trái pháp luật gây ra. Nếu không đạt mục tiêu này thì công tác bảo vệ rừng coi như thất bại. Để làm được điều này, chúng tôi phải xem xét kỹ lưỡng công tác tổ chức cán bộ.
Việc đóng cửa khai thác rừng tự nhiên cũng đòi hỏi phải đẩy nhanh hơn nữa việc trồng rừng thay thế. Hiện nay, chúng ta mới đạt 55% chỉ tiêu trồng rừng thay thế. Đáng mừng là trong số đó, các công trình thủy điện đã trồng thay thế theo yêu cầu đến năm 2016 đạt 91%, phần còn lại đã nộp tiền vào các quỹ bảo vệ phát triển rừng của các tỉnh.
Tuy nhiên, số lượng trồng rừng thay thế bằng vốn ngân sách đến giờ đạt rất thấp nên phải có cơ chế để xử lý kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ này.
Việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp sẽ được thúc đẩy như thế nào trong năm 2017, thưa ông?
Ông Hà Công Tuấn: Trong nhiệm vụ tái cơ cấu ngành, chúng tôi xác định phải sắp xếp trên thực tế 134 công ty lâm nghiệp mà Thủ tướng đã phê duyệt phương án tổng thể. Đây không chỉ là khó khăn với Tổng cục Lâm nghiệp mà còn liên quan đến việc thực hiện ở địa bàn các địa phương do việc sắp xếp đất đai, quản lý được tài nguyên rừng phải làm đồng bộ. Nếu chỉ sắp xếp các công ty lâm nghiệp, còn phần diện tích đất và rừng còn lại nếu để vô chủ, đất và rừng sẽ bị xâm lấn. Chính vì vậy, ngoài việc ngành lâm nghiệp (chủ trì) thì cần sự vào cuộc thực sự của địa phương.
Chúng tôi xác định ngành lâm nghiệp phải được xã hội hóa cao độ. Theo tinh thần đó Bộ NN&PTNT được giao sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 theo hướng điều chỉnh các hành vi xã hội theo chuỗi của ngành lâm nghiệp (trồng rừng-sản xuất-kinh doanh-thị trường).
Chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự đồng tình của xã hội để quản lý theo chuỗi, từ đó, Luật Lâm nghiệp “phủ” được các khâu từ tạo ra rừng, sản xuất, kinh doanh và thị trường.
Có luật theo chuỗi đó, chúng ta có thể hạn chế được việc lợi dụng các chính sách nhằm mưu lợi cá nhân hoặc tạo ra “tăng trưởng bong bóng” thành tích nhưng không có lợi cho ngân sách mà còn gặp rủi ro về thương mại...
Cảm ơn Thứ trưởng!
Đỗ Hương (thực hiện)