• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Không thể trông chờ sự tự giác!

(Chinhphu.vn) – Không cần cán bộ thuế phải nhiệt tình, toàn tâm toàn ý, chỉ cần làm đúng chức trách, đúng quy định, không tùy tiện đặt thêm giấy tờ, thủ tục – nhiều doanh nghiệp cho rằng như vậy cũng đã “tốt lắm rồi”.

22/08/2014 16:42

 

Ảnh minh họa

Thời gian qua, thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm giờ nộp thuế, ngành Thuế đã liên tục tổ chức nhiều buổi gặp gỡ doanh nghiệp. Và hầu như tại buổi gặp nào, vấn đề cán bộ thuế cũng được đề cập như một trong những vấn đề bức xúc – nếu không nói là vấn đề bức xúc nhất – của doanh nghiệp. Bởi các quy định chính thức nếu có vấn đề thì đó cũng là những vấn đề được công khai, doanh nghiệp hoàn toàn tiên liệu được để chuẩn bị, còn khi cán bộ đưa ra “yêu sách” thì rất khó lường.

Tại buổi lấy ý kiến doanh nghiệp ngày 20/8 do Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, một doanh nghiệp kể rằng khi khai báo về trụ sở thì đã khai đủ số nhà, đường phố, phường xã... nhưng nhân viên thuế đòi phải vẽ sơ đồ đường đi mới chịu nhận hồ sơ, theo tường thuật của báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh.

Trước đó, tại buổi làm việc ngày 5/8 vừa qua giữa lãnh đạo Bộ Tài chính với các doanh nghiệp và hiệp hội, bà Đặng Thị Bình An, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế còn đưa ra một ví dụ cho thấy khả năng “tùy tiện” của không ít cán bộ: Có cán bộ thuế nói thẳng rằng “giấy tờ này do tôi quy định” khi doanh nghiệp thắc mắc là giấy tờ này do văn bản nào yêu cầu.

Sự tùy tiện không chỉ dừng lại ở từng cán bộ cụ thể. Theo phản ánh của doanh nghiệp, có không ít khi ngay cả cơ quan thuế cũng hành xử mỗi nơi một kiểu.

Tại buổi lấy ý kiến ngày 20/8 trên, đại diện một doanh nghiệp tại Đồng Nai cho biết quy định thì ghi đánh giá chênh lệch tỉ giá vào “cuối kỳ kế toán”. Công ty áp dụng đánh giá mỗi cuối tháng nhưng cơ quan thuế Đồng Nai khăng khăng không cho tính tháng mà bắt “kỳ kế toán” phải là hằng năm. Trong khi đó, cơ quan thuế Hà Nội lại chấp nhận.

Một ví dụ khác về sự ngẫu hứng của cơ quan thuế. Tại cuộc đối thoại ngày 21/8 giữa các doanh nghiệp Việt kiều với Cục Thuế TP và Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, Công ty May mặc Duy Phát (TP Hồ Chí Minh) cho biết họ sản xuất găng tay len có tráng nhựa. Cùng một mặt hàng này, nhưng khi thu thuế giá trị gia tăng, Chi cục Thuế quận Gò Vấp bắt đóng 10%, Chi cục Thuế quận Tân Bình áp 5%.

Thực trạng này khiến bà Đặng Thị Bình An, nay làm việc tại một công ty tư vấn thuế, đã tha thiết đề nghị Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trong ngành Thuế thực hiện nghiêm túc những quy trình, giấy tờ thủ tục đã được quy định trong văn bản pháp quy, tuyệt đối không được đặt thêm.

Trước những bức xúc của doanh nghiệp, ngày 19/8, Tổng cục Thuế đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TCT nhằm tăng cường kỷ cương kỷ luật, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của công chức thuế với người nộp thuế.

Chỉ thị đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó yêu cầu công bố công khai thời gian tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính về thuế trong ngày làm việc để người nộp thuế biết. Công chức thuế trong thời gian phải trực nếu bỏ vị trí công việc, hoặc làm công việc riêng, không tiếp và giải quyết thủ tục hành chính cho người nộp thuế phải xử lý nghiêm…

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính đã yêu cầu Tổng cục Thuế khẩn trương lập Trang tin điện tử lưu vết toàn bộ hồ sơ kiến nghị, khiếu nại, thắc mắc của doanh nghiệp. Nếu gặp tình trạng cơ quan, cán bộ thuế tự đặt thêm các hồ sơ, giấy tờ, doanh nghiệp có thể phản ánh ngay trên Trang tin này, quy trình giải quyết sẽ được công khai toàn bộ.

Doanh nghiệp và xã hội có thể giám sát tình hình giải quyết, bao giờ có kết quả, hồ sơ bị tắc ở khâu nào… Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng giải pháp này sẽ giúp doanh nghiệp tránh được cảnh phản ánh rồi nhưng không thấy ai giải quyết, “lời nói gió bay”.

Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ chấm dứt tình trạng các Thông tư, văn bản yêu cầu doanh nghiệp cung cấp “các giấy tờ có liên quan khác”, mà phải ghi cụ thể là giấy tờ gì. Đây chính là một lỗ hổng tạo điều kiện cho sự tùy tiện.

Ai cũng biết rằng cơ quan, cán bộ thuế, cũng như mọi cơ quan, cán bộ nhà nước khác, không được phép tùy tiện đặt thêm giấy tờ, thủ tục với người dân, doanh nghiệp. Điều đó không chỉ trái với đạo đức công vụ mà còn là lạm quyền, vi phạm pháp luật hành chính, bởi nó trái  với nguyên tắc cơ quan nhà nước, cán bộ nhà nước “chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép”.

Chúng ta cũng đã nói nhiều về tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhưng dường như đã đến lúc không thể chỉ trông đợi vào tinh thần tự nguyện, tự giác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tất nhiên tự nguyện, tự giác là rất tốt, nhưng cần có giải pháp cho tình huống thiếu tự giác!

Tại buổi làm việc mới đây với Bộ Xây dựng về cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ, “thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục không những không tạo thông thoáng mà còn không đáp ứng được yêu cầu quản lý, vẫn lỏng lẻo, sơ hở, không chống được tiêu cực, tham nhũng thì phải xem lại”.

Như vậy, công khai, minh bạch chính sách, thủ tục cũng chính là giải pháp để hạn chế sự tùy tiện, thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức. Tinh thần phục vụ nhân dân phải là bắt buộc và tinh thần ấy sẽ đến từ những quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm, thẩm quyền, đi cùng với cơ chế giám sát và chế tài xử lý hiệu quả. Từ đó, hạn chế tối đa những cơ hội để cán bộ có thể  “lạm quyền” và nếu lạm quyền thì sẽ bị phát hiện, xử lý nghiêm khắc.

 Hà Chính