Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Phát triển du lịch sinh thái lồng ghép các nội dung du lịch văn hóa, có sự tham gia đích thực của các cộng đồng tộc người bản địa, là một trong những thế mạnh thúc đẩy phát triển bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học của Khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An.
Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) Tây Nghệ An có diện tích lớn nhất Việt Nam với 3 vùng lõi quan trọng là Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Dân số sinh sống trong Khu DTSQ và những nét văn hóa đặc sắc, cộng đồng trong khu vực đóng vai trò rất quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng tại Khu DTSQ.
Khu DTSQ Tây Nghệ An được UNESCO chính thức công nhận năm 2007. Đây được coi như một “thương hiệu” về đa dạng sinh học, đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc miền Tây xứ Nghệ. Đồng thời, ghi nhận thành quả trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bảo vệ và giữ gìn truyền thống bản sắc dân tộc trên địa bàn của người dân, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Khu Dự trữ sinh quyển đưa đến một tư duy mới về khoa học bảo tồn, cho thấy mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên bên trong và xung quanh những khu vực, thể hiện một cách hài hòa, đáp ứng nhu cầu bền vững và tiến tới một tương lai bền vững. Tư duy này hoàn toàn mới so với tư duy về “khu bảo vệ”, “khu bảo tồn”... việc tách con người và các hoạt động của họ ra khỏi các khu vực này trở nên dễ đổ vỡ do đảo lộn các mối quan hệ vốn có giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên.
Một báo cáo gần đầy nhất cho thấy khu vực này có khoảng 2.500 loài, trong đó có khoảng 2.000 loài thực vật bậc cao (chiếm 74%); 130 loài động vật lớn nhỏ đã được ghi nhận, trong đó có một số loài đặc biệt quý hiếm như : Sao la, hổ, thỏ vằn Trường Sơn... Đây cũng là nơi có tính đa dạng về văn hóa dân tộc lớn nhất trong số các Khu Dự trữ sinh quyển Việt Nam với 9 dân tộc. Đặc biệt, có 2 dân tộc chỉ có duy nhất ở Nghệ An và đang trong tình trạng bị suy thoái, mai một nghiêm trọng về bản sắc văn hóa đó là dân tộc Đan Lai (còn khoảng 3.000 nhân khẩu ở huyện Con Cuông) và dân tộc Ơ Đu (còn khoảng 570 nhân khẩu ở huyện Tương Dương).
Theo thống kê của Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh Nghệ An, tính đến nay, người Thái ở Nghệ An có trên 300.000 người, chiếm 69,39% dân số đồng bào các dân tộc thiểu số toàn tỉnh và 64% dân số sống trong Khu DTSQ Tây Nghệ An. Với gần 2/3 tổng dân số sinh sống trong khu DTSQ và những nét văn hóa đặc sắc, cộng đồng người Thái đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng tại khu DTSQ thế giới Tây Nghệ An. Việc đưa những bản sắc văn hóa đặc sắc vào phát triển du lịch đã góp phần cải thiện mức sống của người dân thông qua các hoạt động dịch vụ và bảo tồn.
Phát triển du lịch cộng đồng dựa trên những lợi thế sẵn có ngoài việc biến loại hình này thành điểm nhấn cho du lịch tại Khu DTSQ Tây Nghệ An, còn là một cơ hội lớn để giao lưu, quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái ở xứ Nghệ. Hơn nữa, đây cũng là một trong những giải pháp nhằm xóa đói giảm nghèo hiệu quả thông qua các hoạt động du lịch, dịch vụ dựa trên những giá trị, bản sắc văn hóa cộng đồng.
Hiện nay, hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng tại Khu DTSQ được triển khai ở hai xã Môn Sơn và Lục Dạ (Con Cuông). Người dân đã được tham gia vào loại hình du lịch này thông qua các dịch vụ cho khách ngủ tại nhà, hướng dẫn viên trong cộng đồng, quảng bá và bán các sản phẩm mây tre đan, thổ cẩm, các món ăn truyền thống của đồng bào Thái. Bên cạnh những hoạt động khai thác du lịch được lập thành tour như ở Vườn Quốc gia Pù Mát, các hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng tại Khu DTSQ Tây Nghệ An còn gắn với các lễ hội của đồng bào Thái trong toàn khu vực. Hàng năm, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán các hoạt động lễ hội của người Thái tại Khu DTSQ cũng được diễn ra thường xuyên như Lễ Hội Mường Ham - Quỳ Hợp (5 - 6 tháng Giêng); Lễ hội Đền 9 gian - Quế Phong (12 -15/4 âm lịch); Lễ Hội Hang Bua (21 – 23/4 âm lịch)... Đây là những lễ hội lớn gắn với bản sắc văn hóa của người Thái thu hút nhiều người tham gia, đặc biệt là du khách từ các nơi khác, kể cả người nước ngoài.
Văn hóa với đa dạng sinh học vốn có mối quan hệ mật thiết từ lâu đời. Đa dạng sinh học làm nên giá trị văn hóa, ngược lại, văn hóa giúp giữ gìn bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học. Nếu chúng ta điều khiển hài hòa mối quan hệ sẽ tạo ra sự cân bằng trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững.
X.Hợp